Năm 2030, tỉnh trẻ nhất vùng ĐBSCL sẽ đưa 2 huyện 'cất cánh' lên thị xã
Dự kiến đến năm 2030, tỉnh này sẽ đưa 2 huyện lên thị xã, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng, logistic, nông nghiệp, công nghiệp...
Thông tin mới nhất trên báo Xây Dựng và báo Tiền Phong cho biết, UBND tỉnh Hậu Giang mới đây đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ban, ngành tại địa phương cũng như các đơn vị tư vấn để thông qua quy hoạch chung đô thị Châu Thành và Châu Thành A đến năm 2025.
Theo đó, mục tiêu của quy hoạch là xây dựng đô thị Châu Thành và Châu Thành A đạt tiêu chí IV vào trước năm 2030 nhằm làm tiền đề để thành lập đô thị thị xã trực thuộc tỉnh và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III sau năm 2030.
Một góc tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Internet |
Theo quy hoạch huyện Châu Thành, đến năm 2030, khu công nghiệp tập trung sẽ có quy mô gần 1.200ha và tăng lên hơn 3.100ha vào năm 2050. Các cụm công nghiệp dự kiến đạt 480ha, trong khi dân số huyện sẽ tăng từ 145.000 người vào năm 2030 lên 205.000 người vào năm 2045.
>> Viettel sắp xây dựng trung tâm lưu trữ tài liệu vĩnh viễn rộng hơn 7.000m2
Huyện Châu Thành A được định hướng trở thành vùng phát triển đô thị công nghiệp tập trung, kết hợp nông nghiệp sinh thái, du lịch nông nghiệp và làng nghề.
Định hướng phát triển tập trung vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ. Nuôi trồng thủy sản cũng được mở rộng với tổng diện tích dự kiến khoảng 16.000ha vào năm 2045, phục vụ dân số hơn 200.000 người.
Bản đồ quy hoạch tỉnh Hậu Giang, huyện Châu Thành và Châu Thành A sẽ được quy hoạch lên thị xã trong tương lai. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang |
Tại cuộc họp thông qua quy hoạch chung đô thị Châu Thành và Châu Thành A, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện và quy hoạch đô thị của tỉnh.
Quy hoạch này cần phải phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, quy hoạch vùng của hai địa phương cần ưu tiên nguồn lực để phát triển đô thị loại IV và nâng cấp lên thị xã.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang cũng giao Sở Xây dựng Hậu Giang phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn chỉnh nhiệm vụ quy hoạch, tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ phê duyệt.
Theo chương trình hành động của Tỉnh ủy Hậu Giang nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, sẽ đưa Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các chỉ tiêu quan trọng bao gồm tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt trên 150 triệu đồng/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 15%/năm và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, đồng thời là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics hàng đầu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Sau ngày 30/4/1975, tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện và Ba Xuyên. Lúc này, tỉnh Hậu Giang gồm TP. Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng, huyện Vị Thanh và 11 huyện khác. Đến cuối năm 1991, Quốc hội quyết định chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Đầu năm 2004, tỉnh Cần Thơ được tách làm TP. Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang hiện nay.
Tỉnh Hậu Giang là phần đất phía Nam của tỉnh Cần Thơ cũ, gồm thị xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A và Long Mỹ. Đây cũng là tỉnh trẻ nhất của khu vực ĐBSCL.
>> Hà Nội cưỡng chế thu hồi đất của 30 hộ tại Đông Anh để làm dự án quy mô 3,5ha
Tỉnh giàu có giáp ranh TP. HCM chuyển 26.000m2 đất nông nghiệp làm khu nhà ở cao tầng 
Hà Nội cưỡng chế thu hồi đất của 30 hộ tại Đông Anh để làm dự án quy mô 3,5ha