Năm sau, một tỉnh miền Trung sẽ có tổ hợp hàng không tầm cỡ quốc tế, diện tích gấp 20 lần quận Hoàn Kiếm
Một trong những lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ sự hợp nhất này là hạ tầng giao thông và hàng không.
Theo Nghị quyết 60-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành trong năm 2025, hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị sẽ được hợp nhất để tạo thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Đơn vị hành chính này dự kiến mang tên tỉnh Quảng Trị , với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới, hiện là thủ phủ của tỉnh Quảng Bình.

Việc sáp nhập được nhận định là một bước đi chiến lược, nhằm mở rộng không gian phát triển và tận dụng hiệu quả hơn tiềm năng của khu vực. Tỉnh mới sau sáp nhập sẽ có diện tích khoảng 12.700km² và dân số gần 1,9 triệu người – là một trong những đơn vị hành chính cấp tỉnh có quy mô lớn tại miền Trung.
Một trong những lĩnh vực được kỳ vọng hưởng lợi lớn từ sự hợp nhất này là hạ tầng giao thông và hàng không . Hiện nay, Quảng Bình đang khai thác hiệu quả Cảng hàng không Đồng Hới, với công suất thiết kế đạt 1 triệu lượt khách mỗi năm và mạng lưới đường bay nội địa ổn định.

Trong khi đó, Quảng Trị đang đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị. Dự án có quy mô hơn 265ha, tổng vốn trên 5.800 tỷ đồng. Sân bay này được thiết kế đạt chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 7/2026 với công suất ban đầu 500.000 hành khách mỗi năm, mở rộng lên 5 triệu lượt khách khi hoàn thiện toàn bộ hạ tầng.
Bên cạnh mục tiêu phục vụ vận tải hành khách, cảng hàng không Quảng Trị còn được định hướng phát triển thành trung tâm logistics hàng không lớn của miền Trung. Các nhà đầu tư đề xuất nâng cấp sân bay lên tiêu chuẩn 4E, cho phép tiếp nhận các dòng máy bay lớn như Boeing 777, Airbus A350, đồng thời đạt năng lực vận chuyển tới 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Không chỉ dừng ở vai trò một cảng hàng không đơn thuần, nơi đây sẽ trở thành một tổ hợp hàng không – logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế, với tổng diện tích hơn 10.800ha. Tổ hợp này sẽ bao gồm các trung tâm trung chuyển hàng hóa, cụm công nghiệp hàng không (nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp, bảo trì tàu bay), khu đào tạo kỹ thuật viên, thử nghiệm công nghệ và đô thị sân bay hiện đại. với diện tích này, Cảng hàng không Quảng Trị sẽ rộng gấp khoảng 20 lần quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) hiện nay.

Cùng với hạ tầng hàng không, tỉnh mới còn sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ, bao gồm quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam, cao tốc Bắc – Nam phía Đông, hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối với Lào và Thái Lan qua các cửa khẩu Lao Bảo và La Lay. Ngoài ra, hệ thống cảng biển tại khu vực như Hòn La (Quảng Bình) và Mỹ Thủy (Quảng Trị) cũng là lợi thế lớn. Đặc biệt, cảng Mỹ Thủy đang được quy hoạch trở thành cảng nước sâu quy mô lớn với khả năng tiếp nhận tàu 100.000 DWT và tổng vốn đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ giảm chi phí logistics đáng kể cho khu vực.
Tất cả những yếu tố trên giúp củng cố vị thế của tỉnh mới sau sáp nhập, đưa nơi đây trở thành một cực tăng trưởng mới của miền Trung – cả về công nghiệp, logistics và kết nối giao thương quốc tế.