Xã hội

Thành phố giàu có sắp sáp nhập với Hải Dương là địa phương giàu top đầu Việt Nam, tương lai có sân bay quốc tế và 6 tuyến đường sắt hiện đại

Dương Uyển Nhi 30/04/2025 14:00

Đây là địa phương thứ hai trên cả nước, sau TP. HCM vinh dự được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”.

TP. Hải Phòng được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”

Theo thông tin từ UBND TP. Hải Phòng, ngày 28/4, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký Quyết định số 766/QĐ-CTN, phong tặng danh hiệu cao quý “Thành phố Anh hùng” cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng . Danh hiệu nhằm ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, toàn diện của thành phố trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Quyết định này được ban hành đúng vào thời điểm Hải Phòng đang khẩn trương chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng thành phố (13/5/1955-13/5/2025) và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2025 - sự kiện chính trị, văn hóa trọng đại với nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Thành phố giàu có sắp sáp nhập với Hải Dương là địa phương giàu top đầu Việt Nam, tương lai có sân bay quốc tế và 6 tuyến đường sắt hiện đại - ảnh 1
Thành phố Hải Phòng được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng” (Ảnh: Đàm Thanh)

TP. Hải Phòng sẽ chính thức đón nhận danh hiệu “Thành phố Anh hùng” tại Lễ kỷ niệm diễn ra vào tối 13/5 tới đây, tại Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm. Đây không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho tinh thần kiên cường và lòng yêu nước của quân và dân thành phố, mà còn là niềm tự hào, sự kỳ vọng của nhiều thế hệ người Hải Phòng.

Với quyết định này, Hải Phòng trở thành địa phương thứ hai trên cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh vào năm 2005, vinh dự được phong tặng danh hiệu “Thành phố Anh hùng”. Đây là dấu mốc quan trọng, góp phần khơi dậy niềm tin, ý chí và khát vọng phát triển mạnh mẽ trong chặng đường mới của thành phố Cảng.

Địa phương giàu top đầu cả nước

Nằm ở vị trí chiến lược trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, TP. Hải Phòng sở hữu lợi thế địa kinh tế nổi bật. Thành phố hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, hàng không và đặc biệt là đường biển, đóng vai trò đầu mối giao thương trọng yếu và là một trong những "cửa ngõ" chiến lược của vùng đồng bằng sông Hồng.

Thành phố giàu có sắp sáp nhập với Hải Dương là địa phương giàu top đầu Việt Nam, tương lai có sân bay quốc tế và 6 tuyến đường sắt hiện đại - ảnh 2
(Ảnh: Đức Nghĩa/Cổng thông tin điện tử Hải Phòng)

Hiện nay, Hải Phòng nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về quy mô kinh tế, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành. Năm 2023, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng GRDP ấn tượng 10,34%, xếp thứ 5 toàn quốc - đánh dấu năm thứ 9 liên tiếp duy trì mức tăng trưởng hai con số.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2030, Hải Phòng định vị ba trụ cột chiến lược: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại; và trung tâm du lịch biển mang tầm quốc tế. Thành phố đặt mục tiêu đạt quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, từng bước vươn mình vào nhóm đô thị hàng đầu châu Á và thế giới.

Định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Hải Phòng hướng tới phát triển bền vững, xanh hóa nền kinh tế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, trở thành động lực phát triển mới của khu vực Bắc Bộ và cả nước. Hiện quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt, tuy nhiên các bản thiết kế chi tiết vẫn đang trong quá trình triển khai.

Trong lĩnh vực hạ tầng hành chính, Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng đang được xây dựng tại Khu đô thị Bắc Sông Cấm (TP. Thủy Nguyên) với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Dự án gồm 14 khối nhà cao từ 3 đến 15 tầng, bố trí đối xứng theo hai trục Bắc - Nam và Đông - Tây, cùng hệ thống sân bãi, đường nội bộ, sân vườn và cảnh quan đồng bộ.

Trong lĩnh vực du lịch, thành phố định hướng phát triển quần thể du lịch biển Cát Bà – Đồ Sơn thành điểm đến hấp dẫn, kết nối với Vịnh Hạ Long để tạo lập trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế. Hải Phòng sẽ đẩy mạnh các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với biển đảo, di tích lịch sử, văn hóa và liên kết vùng, hướng tới trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Thành phố giàu có sắp sáp nhập với Hải Dương là địa phương giàu top đầu Việt Nam, tương lai có sân bay quốc tế và 6 tuyến đường sắt hiện đại - ảnh 3
Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào tháng 9/2023 (Ảnh: Internet)

Việc Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho du lịch Hải Phòng trong tương lai. Theo quy hoạch mạng lưới du lịch, đến năm 2030, Hải Phòng có khả năng đón 30-35 triệu lượt khách; và khoảng 35-40 triệu lượt khách vào năm 2040.

Tại khu du lịch - dịch vụ Đồ Sơn, thành phố sẽ phát triển trung tâm du lịch quốc tế kết hợp thể thao, giải trí, tín ngưỡng và lễ hội biển. Khu vực Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vỹ sẽ được quy hoạch thành các vùng du lịch dịch vụ gắn với bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Song song với đó, Hải Phòng đầu tư xây dựng cụm cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện - Nam Đồ Sơn và thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam thành phố. Đặc biệt, thành phố đang nghiên cứu phát triển khu thương mại tự do với cơ chế, chính sách đột phá theo những mô hình thành công trên thế giới.

Trong lĩnh vực hàng không, Hải Phòng định hướng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, với mục tiêu đạt công suất 13 triệu hành khách vào năm 2030 và 16,6 triệu hành khách vào năm 2040. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thêm một sân bay quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

Thành phố giàu có sắp sáp nhập với Hải Dương là địa phương giàu top đầu Việt Nam, tương lai có sân bay quốc tế và 6 tuyến đường sắt hiện đại - ảnh 4
Hải Phòng định hướng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Ảnh: Internet)

Về hạ tầng đường sắt, đến năm 2050, thành phố sẽ phát triển 2 tuyến đường sắt quốc gia và 4 tuyến đường sắt đô thị. Cụ thể, xây dựng mới tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc mạng lưới đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, chạy song song với cao tốc hiện hữu; đồng thời phát triển tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hải Phòng cũng sẽ phát triển 4 tuyến đường sắt đô thị, kết nối các khu chức năng, đô thị và đầu mối giao thông chính. Thành phố từng bước chuyển đổi tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng hiện hữu trong nội đô thành đường sắt đô thị, đồng thời nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nội thành.

Thành phố giàu có sắp sáp nhập với Hải Dương là địa phương giàu top đầu Việt Nam, tương lai có sân bay quốc tế và 6 tuyến đường sắt hiện đại - ảnh 5
Đến năm 2050, Hải Phòng sẽ phát triển 2 tuyến đường sắt quốc gia và 4 tuyến đường sắt đô thị (Ảnh minh họa tạo bởi Chat GPT)

Về hạ tầng giao thông, thành phố dự kiến xây thêm 4 cây cầu bắc qua sông Cấm, 3 cầu vượt sông Lạch Tray và 3 cầu qua sông Văn Úc nhằm mở rộng kết nối vùng. Đồng thời, tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến giao thông liên vùng, xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, phát triển các trục đường hướng tâm, hệ thống đường vành đai và các nút giao khác mức nhằm nâng cao năng lực giao thông, giảm thiểu tình trạng ùn tắc trong thành phố.

Tổng hợp

>> Thành phố đầu tiên của Việt Nam sẽ nghiên cứu, xây dựng ‘đô thị trên biển’ giống Dubai

Về 'một nhà' sau gần 30 năm tách hợp, đây là thành phố trực thuộc TƯ lớn nhất, vừa có bờ biển dài nhất vừa có 2 sân bay

Sau sáp nhập, người dân thành phố này có thể đi lại trong nội thành bằng máy bay

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thanh-pho-giau-co-sap-sap-nhap-voi-hai-duong-la-dia-phuong-giau-top-dau-viet-nam-tuong-lai-co-san-bay-quoc-te-va-6-tuyen-duong-sat-hien-dai-141416.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thành phố giàu có sắp sáp nhập với Hải Dương là địa phương giàu top đầu Việt Nam, tương lai có sân bay quốc tế và 6 tuyến đường sắt hiện đại
    POWERED BY ONECMS & INTECH