Nga phát triển thành công vaccine ung thư, dự kiến phát miễn phí cho bệnh nhân vào đầu năm 2025
Vaccine có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn, với tỷ lệ thành công từ 75-80%.
Nga đang đạt được bước tiến quan trọng trong lĩnh vực y học với việc phát triển vaccine mRNA điều trị ung thư . Theo kế hoạch, loại vaccine này sẽ được đưa vào lưu hành rộng rãi từ đầu năm 2025 và cung cấp miễn phí cho bệnh nhân.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya, cho biết các thử nghiệm tiền lâm sàng đã cho thấy hiệu quả ấn tượng. Vaccine  có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn, với tỷ lệ thành công từ 75-80%. Đặc biệt, trong một số trường hợp, khối u ác tính và tình trạng di căn đã hoàn toàn biến mất.
"Vaccine này không chỉ mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư mà còn mở ra cơ hội điều trị cho nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư phổi, thận và tụy”, ông Gintsburg nhấn mạnh.
Vaccine chống ung thư của Nga được phát triển dựa trên công nghệ mRNA, tương tự như công nghệ từng được Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vaccine Covid-19. Tuy nhiên, vaccine ung thư này là loại điều trị, không phải phòng ngừa, và được thiết kế để tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Ngoài ra, Nga cũng có kế hoạch cá nhân hóa vaccine cho từng bệnh nhân. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phân tích đặc điểm khối u và tạo ra "bản thiết kế" riêng cho từng trường hợp, giúp các chuyên gia sản xuất vaccine phù hợp trong vòng một tuần.
Các thử nghiệm lâm sàng sẽ sớm bắt đầu trên những bệnh nhân từ 18 đến 75 tuổi, nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn. Tuy nhiên, nhóm bệnh nhân đang điều trị hóa trị liệu tích cực sẽ không tham gia thử nghiệm này.
Ba đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Nga, bao gồm Trung tâm Gamaleya, Trung tâm Ung thư Blokhin và Viện Nghiên cứu Ung thư Hertsen, đang phối hợp để phát triển vaccine. Dự án được Nhà nước Nga tài trợ, với mục tiêu dân chủ hóa việc tiếp cận các phương pháp điều trị ung thư hiện đại và giảm bớt gánh nặng tài chính cho người bệnh.
Loại vaccine này không chỉ là bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư mà còn mở ra hy vọng về một kỷ nguyên mới trong y học cá nhân hóa. Theo ông Gintsburg, nếu được triển khai rộng rãi, vaccine có thể trở thành một công cụ quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong do ung thư, đặc biệt với các bệnh ung thư phổ biến như ung thư phổi tế bào nhỏ, gây ra hơn 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm.
Với các nghiên cứu không ngừng và sự đầu tư mạnh mẽ, Nga đang khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực y học toàn cầu, mang lại hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân ung thư trên khắp thế giới.
Theo TASS
>> AI và công nghệ mRNA thắp sáng hi vọng vắc-xin phòng ung thư sẽ xuất hiện vào năm 2025