Ngành công nghiệp xe điện quy mô tỷ USD: Vingroup ‘hóa rồng’ nhờ quân bài chiến lược, Hòa Phát tham vọng sản xuất nguyên liệu làm động cơ
Bên cạnh Vingroup, Hòa Phát cũng đang nuôi tham vọng gia nhập ngành công nghiệp xe điện, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh tại Việt Nam.
Ngành công nghiệp xe điện đã và đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và phát triển bền vững. Xe điện  không chỉ mang đến những cải tiến về công nghệ và tiết kiệm năng lượng, mà còn phản ánh xu hướng toàn cầu trong việc bảo vệ môi trường.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC ) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nổi lên là đơn vị tiên phong, góp phần định hình ngành công nghiệp vận tải và xây dựng một hệ sinh thái giao thông xanh, qua đó giảm thiểu tác động từ ô nhiễm môi trường.
Trong đó, VinFast - thương hiệu xe điện của Vingroup, hiện đang dẫn đầu trong việc phát triển dòng xe điện tại Việt Nam với con số kỷ lục 87.000 xe được bàn giao năm 2024. Tỷ lệ nội địa hóa của VinFast  đã vượt mốc 60%, với các chi tiết quan trọng như thân vỏ, động cơ và hệ thống giảm xóc được sản xuất trong nước. Đặc biệt, hãng xe điện này không chỉ lắp ráp mà còn chủ động sản xuất các bộ phận quan trọng, sử dụng công nghệ tự động hóa với mức độ hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
VinFast lập kỷ lục bàn giao 87.000 xe điện tại thị trường Việt Nam trong năm 2024 |
Mới đây, “con cưng” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng  đã đưa ra mục tiêu đầy tham vọng là nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 84% vào năm 2026. Đây không chỉ là một bước tiến vượt bậc trong việc giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài, hãng xe điện Việt sẽ sản xuất thêm các bộ phận như ghế xe, hệ thống phanh, đặc biệt là pin - linh kiện có giá trị cao nhất trong xe điện.
Một trong những bước đi quan trọng trong chiến lược tự chủ của VinFast là việc xây dựng nhà máy sản xuất pin tại Vũng Áng (Hà Tĩnh). Với quy mô lên đến 8ha và vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, nhà máy VinES này đang sản xuất pin Lithium phục vụ cho các dòng xe điện và xe bus điện của VinFast. Đây là cơ sở quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung pin chất lượng cao và giúp VinFast gia tăng tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe điện.
Bên trong nhà máy sản xuất động cơ điện của VinFast tại Hải Phòng |
Bên cạnh việc sản xuất xe và pin, ngành công nghiệp xe điện được kỳ vọng đón thêm sự gia nhập của những doanh nghiệp khác như Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG ).
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch Trần Đình Long  tiết lộ: “Hòa Phát đang nghiên cứu sản xuất tôn silic - sản phẩm làm cho các loại mô tơ điện, biến thế, đặc biệt là mô tơ điện dùng cho công nghiệp xe điện.
Ở Việt Nam mới có một đơn vị sản xuất nhưng chỉ gia công (nguyên liệu nhập về) còn Hòa Phát có định hướng sản xuất từ gốc. Làm tôn silic rất khó, chưa có đơn vị nào ở Việt Nam nghiên cứu sản xuất sản phẩm này”.
Việc sản xuất tôn silic sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, đồng thời góp phần phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của kỷ nguyên xe điện.
Với những nỗ lực và bước đi đầy táo bạo, VinFast và các doanh nghiệp khác như Hòa Phát đang góp phần xây dựng nền móng cho ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam, qua đó mở ra những cơ hội mới, tiến gần hơn đến một tương lai xanh và bền vững.
Trong báo cáo nghiên cứu của Mordorintelligence, quy mô thị trường xe điện Việt Nam ước tính đạt 2,93 tỷ USD vào năm 2025 và dự kiến sẽ đạt 6,69 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 18% trong giai đoạn dự báo (2025-2030).
Trong trung hạn, nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại xe tiết kiệm nhiên liệu, hiệu suất cao và phát thải thấp, luật pháp với quy định ngày càng nghiêm ngặt về khí thải của xe, chi phí pin giảm và các yếu tố khác dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong giai đoạn 2024-2029.