Ngày 20/1, Indonesia bắt đầu bán tín chỉ carbon cho khách hàng quốc tế, VinFast có cơ hội thu hàng tỷ USD?
ICX, sàn giao dịch tín chỉ carbon của Indonesia chào bán tín chỉ carbon đầu tiên cho khách quốc tế vào ngày 20/1/2025, mở ra cơ hội lớn cho VinFast khi hãng xe đang đẩy mạnh hoạt động tại quốc gia này.
Indonesia bắt đầu bán tín chỉ carbon cho khách hàng quốc tế từ ngày 20/1
Trong buổi họp báo với đại sứ các quốc gia châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Môi trường của Indonesia tuyên bố, chính phủ nước này sẽ đảm bảo tín chỉ carbon cấp cho hoạt động thương mại quốc tế là hợp lệ.
Bộ trưởng Bộ Môi trường Hanif Faisol Nurofiq phát biểu về kế hoạch kinh doanh tín chỉ carbon tại hội nghị ở Jakarta ngày 16/1 vừa qua (Ảnh: Tạp chí Kinh tế Môi trường) |
Được biết, Sàn giao dịch tín chỉ carbon Indonesia Carbon Exchange (ICX) chính thức thành lập vào tháng 4/2023 và được coi là bước tiến quan trọng trong chiến lược giảm khí nhà kính của Indonesia, cũng như thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, hỗ trợ nền kinh tế quốc gia trong việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững. Sàn giao dịch nước này cho biết, đợt chào bán tín chỉ carbon đầu tiên cho khách hàng quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 20/1.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản (ESDM) Bahlil Lahadalia cũng nêu 3 sáng kiến quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng tới tương lai không phát thải.
“Đầu tiên, phát triển hệ thống năng lượng sạch tích hợp, tăng cường kết nối lưới điện khu vực để cải thiện tính linh hoạt và khả năng phục hồi, đồng thời đầu tư vào các công nghệ mới như tận dụng nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào trong khu vực. Thứ hai, lĩnh vực giao thông với mục tiêu thúc đẩy thế hệ phương tiện giao thông và nhiên liệu bền vững. Thứ ba là thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng trên tất cả các lĩnh vực”, ông Lahadalia nói.
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto có kế hoạch khởi động một quỹ kinh tế xanh bằng cách bán tín chỉ carbon từ các dự án như bảo tồn rừng nhiệt đới, với mục tiêu huy động 65 tỷ USD vào năm 2028.
VinFast tại nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á
Ngày 11/12/2024, V-GREEN - công ty do tỷ phú Phạm Nhật Vượng  thành lập và tập đoàn đa ngành Prime Group, thông qua công ty con tại UAE, chính thức công bố biên bản ghi nhớ (MoU) về việc phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện VinFast tại Indonesia.
Theo thỏa thuận, hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu và tích cực thảo luận, hướng tới mục tiêu phát triển khoảng 100.000 trạm sạc xe điện VinFast tại Indonesia trong vòng 3 năm tới, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,2 tỷ USD. Hoạt động xây dựng và phát triển trạm sạc sẽ được triển khai từ tháng 1/2025, dự kiến đưa một số trạm vào vận hành trong năm 2025.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa V-GREEN và tập đoàn đa ngành Prime Group (Nguồn: Vingroup) |
Ngày 18/12/2024, Xanh SM , hãng taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đã chính thức khai trương tại thủ đô Jakarta, Indonesia. Tại buổi lễ, hãng đã ký kết một loạt biên bản ghi nhớ (MoU) với 9 đối tác lớn, trong đó phải kể đến BCA, VISA, VIETJET, FPT, AXIATA, HUAWEI và ASRI. Các thỏa thuận này nhằm hỗ trợ và thúc đẩy quá trình xanh hóa giao thông tại Indonesia.
Trước đó, ngày 22/11/2024, VinFast Auto chính thức bàn giao mẫu ô tô điện VinFast VF 5 tại thị trường Indonesia trong khuôn khổ sự kiện Gaikindo Jakarta Auto Week. Đây là mẫu ô tô điện thứ 2 (trước đó là mẫu VF e34) VinFast bàn giao tại thị trường này, tiếp tục hiện thực hóa sứ mệnh giúp ô tô điện trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người, đóng góp vào cuộc cách mạng giao thông xanh tại Indonesia.
Đáng chú ý, tại triển lãm, ông Davy Jeffry Tulian - Giám đốc Kinh doanh (CSO) của VinFast Indonesia cho biết: "Năm tới, chúng tôi sẽ bổ sung thêm một mẫu xe mới tại Indonesia với tên gọi là VinFast VF 3. Hy vọng chiếc xe điện mini này sẽ có mặt trên thị trường trong quý đầu tiên".
Indonesia, với dân số hơn 277 triệu người, là quốc gia đông dân thứ tư thế giới (đông dân nhất Đông Nam Á) và có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Thị trường ô tô tại đây đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực xe điện (EV). Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực, với các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cho ngành công nghiệp này.
Cụ thể, Indonesia đặt mục tiêu sản xuất được 600.000 xe điện, có 2 triệu ô tô điện và 13 triệu xe máy điện lưu thông trên đường vào năm 2030. Để theo đuổi mục tiêu, Chính phủ Indonesia đã dành ra nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp xe điện. Các ưu đãi bao gồm việc xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện vào năm 2024, miễn thuế nhập khẩu cho đến năm 2025 và giảm thuế giá trị gia tăng đối với việc bán xe điện - với điều kiện sử dụng 40% linh kiện sản xuất trong nước.
Tiềm năng của thị trường tín chỉ carbon trong mảng xe điện và kế hoạch của VinFast
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC ), ở phiên thảo luận, một cổ đông đã đặt câu hỏi: "VinFast hiện thu chủ yếu từ việc bán xe, nhưng theo tôi được biết thì chứng chỉ carbon cũng tạo ra nguồn thu. VinFast giảm thải được rất nhiều carbon, hiện VinFast đã làm hồ sơ pháp lý gì để phát hành chứng chỉ carbon trong thời gian tới?".
Giải đáp vấn đề này, ông Phạm Nhật Vượng thông tin: "Chúng tôi đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán chứng chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác".
Được biết, tín chỉ carbon đang được ví như "gà đẻ trứng vàng" của các hãng ô tô điện. Mặc dù không tác động trực tiếp đến người mua ô tô, nhưng tín chỉ carbon là tài sản rất quan trọng mà các công ty ô tô cần cân nhắc và chúng sẽ định hình tương lai của ngành này. Các nhà sản xuất xe điện có được một lượng tín chỉ carbon dư thừa từ việc sản xuất xe điện. Họ có thể bán chúng cho những nhà sản xuất ô tô khác để giúp các bên này tuân thủ những quy định về khí thải.
Một trong những ông lớn ngành xe điện là Tesla đã áp dụng thành công lợi thế này. Trong khi nhiều hãng xe khác đang loay hoay tìm hướng đi trong cuộc đua điện khí hóa, Tesla của Elon Musk đã tạo ra khoản tiền đáng kể 1,79 tỷ USD từ việc bán tín dụng carbon năm 2023, nâng tổng thu nhập từ các khoản tín dụng từ tín chỉ carbon kể từ năm 2009 lên gần 9 tỷ USD.
Nguồn: CarbonCredits |
Ở Mỹ, nhiều bang đã và đang thực thi các quy định về việc phân tín dụng carbon cho các công ty sản xuất ô tô cá nhân.
Theo các quy định này, tín dụng carbon được tính dựa trên mức độ phát thải của từng chiếc xe, cùng với các yếu tố như thời gian hoạt động và số km mà phương tiện có thể di chuyển trong 1 lần sạc. Xe có khả năng di chuyển xa và lâu hơn trong mỗi lần sạc sẽ được hưởng nhiều tín dụng carbon hơn.
Chính phủ các bang này quy định rằng mỗi năm, các hãng xe phải sản xuất một số lượng ô tô không phát thải dựa trên tổng số xe được bán ra trong bang đó. Điều này có nghĩa là mức độ sản xuất xe không phát thải sẽ tăng theo tỷ lệ với số lượng xe bán ra. Trong trường hợp các hãng xe không đáp ứng được mức tín dụng carbon yêu cầu trong 1 năm, họ có thể mua tín dụng từ các công ty khác.
Không chỉ riêng Mỹ, mà cả Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc cũng áp dụng các quy định tương tự. Tại Trung Quốc, các quy định về mức tín dụng carbon đối với các nhà sản xuất ô tô đã tăng từ năm 2019 và đang trong quá trình phát triển.
Việc giảm lượng khí thải carbon và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề cấp thiết toàn cầu, do đó, nhu cầu về tín chỉ carbon dự kiến sẽ tăng trong tương lai.
>> Mặt hàng đặc biệt lọt vào 'tầm ngắm' của Vingroup, Masan và Vinamilk sắp được chuẩn hóa giao dịch
Thủ tướng đề nghị tập đoàn ô tô lớn nhất Cộng hòa Czech phát triển xe điện tại Việt Nam 
VinFast công bố mẫu ô tô điện sẽ bán tại quốc gia đông dân nhất thế giới