Ngôi chùa cổ sở hữu cây thị có niên đại hàng trăm năm, khuôn viên đặt tượng Phật Tổ cao 2,5m
Với lối kiến trúc của nền văn hóa Á Đông độc đáo, ngôi chùa mang lại khung cảnh đẹp đến say lòng người.
Chùa Cây Thị tọa lạc ở thôn Chè Trình, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Chùa  chính thức được phục dựng từ năm 2020 với nhiều công trình kiến trúc tầm cỡ như: nhà Tổ, Tam Bảo, giảng đường,… Hiện nay, chùa hiện lên với diện mạo khang trang, đẹp đẽ.
Chùa nằm trên lưng chừng núi, hai bên là dãy núi  có hình thế tả thanh long, hữu bạch hổ. Theo sườn núi hướng lên đỉnh về phía đông nam cách chùa cổ khoảng 100m là lăng mộ  Thượng thư Trương Công Giai, bên dưới chân núi hướng tây nam cách chùa cổ khoảng 50m là đền thờ liệt sĩ Núi Chùa.
Chùa Cây Thị nằm cách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, từ xa xưa, nơi đây đã từng có vua đi qua và dừng nghỉ tại chùa nên được gọi là “chùa Khoa núi Ngụ”.
Để chùa có được diện mạo khang trang, bề thế như hiện nay là sự góp sức, hỗ trợ của đông đảo các Tăng ni, Phật tử. Đặc biệt, không thể không kể đến những tâm huyết của trụ trì Thích Huệ Hạnh đã dày công kiến tạo nên những thư pháp, họa tranh, trang trí cho cảnh quan của ngôi chùa. Chính vì vậy, khi đến chiêm bái tại ngôi chùa này, bất kì du khách nào cũng sẽ cảm thấy vô cùng ấn tượng với những phong cách nghệ thuật độc đáo riêng biệt mà không phải nơi đâu cũng có được.
Chùa Cây Thị sẽ khiến du khách liên tưởng đến lối thiết kế của kiến trúc Nhật Bản. Đi vãn cảnh chùa, du khách sẽ nhận thấy những tiểu tiết, bonsai ở đây được chú trọng tỉ mỉ. Đặc biệt, các dãy đèn lồng được thắp sáng mỗi khi màn đêm buông xuống chính là tượng trưng cho phước lành mà Đức Phật soi sáng trần thế.
Sở dĩ chùa tên là Cây Thị vì cạnh ngôi chùa cổ  là cây thị với niên đại hàng trăm năm, theo các cụ cao niên thì từ nhỏ đã thấy gốc thị to như hiện nay. Theo dòng lịch sử, ngôi chùa có thể bị thay đổi, nhưng cây thị vẫn trụ vững với tán lá xum xuê.
Cây thị không những có giá trị về lịch sử, mà còn ẩn chứa một giá trị tâm linh rất lớn đối với dân làng nói riêng và toàn thể tín đồ Phật tử thập phương nói chung khi về chùa.
Cổng chùa và vườn thiền được thiết kế kiến trúc Nhật Bản kết hợp với kiến trúc Việt. Khi bước vào khu vực này chúng ta dường như lạc vào thế giới bồng lai tiên cảnh với vẻ yên bình đến lạ thường. Đến đây du khách sẽ bất ngờ vì phần sân dẫn vào chùa được trải sỏi trắng, xung quanh các ngọn đồi xanh mướt màu xanh của cỏ Nhật đan xen với những cây tùng.
Giải thích tại sao lựa chọn những viên sỏi trắng, tạo hình tỉ mỉ, các sư thầy cho biết đá trắng khiến cho lòng người trở nên thanh thoát, cùng với tiếng chuông tạo nên không gian thanh tịnh.
Từ bãi đá trắng, du khách sẽ lên cổng Ngũ Quan để chiêm bái tôn tượng Phật  Tổ cao 2,5m, sau lưng Ngài là ngôi chùa cổ. Bên trái chùa cổ là điện thờ Tôn giả A - Nan thị giả Đức Phật đệ nhất đa văn, bên phải là Tôn giả Ca - Diếp chân truyền của Phật Tổ đệ nhất khổ hạnh, cạnh Ngài Ca Diếp.
Tiến vào bên trong gần vách núi bên trái là điện thờ Bồ Tát Địa Tạng, phải là Bồ Tát Quán Thế Âm, cạnh chân chùa là Tháp Tổ. Phía bên dưới là khu giảng đường, khu nhà nghỉ, nhà bếp, thư viện, văn phòng để phục vụ cho các hoạt động và khoá tu, có sức chứa lên đến hàng trăm người.
Chùa Cây Thị không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng mà còn là nơi sinh hoạt tâm linh của nhiều người dân trong vùng. Đặc biệt, đây cũng là nơi người dân có những trải nghiệm cuộc sống, hướng con người đến với những giá trị của đạo Phật.