Người anh hùng dân tộc Tày hy sinh thân mình làm giá súng, góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’

08-05-2024 08:46|Hoàng Giang

Với những chiến công của mình, anh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì vào năm 1955.

Tiểu sử anh hùng Bế Văn Đàn

Anh hùng Bế Văn Đàn sinh năm 1931, tại xóm Bản Buống, xã Triệu Ẩu (nay là xã Bế Văn Đàn), huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Anh sinh ra trong một gia đình dân tộc Tày nghèo khó với truyền thống cách mạng: bố là công nhân thợ mỏ và mẹ đã mất sớm khi anh còn nhỏ. Từ thời niên thiếu, Bế Văn Đàn đã phải đương đầu với cuộc sống khó khăn, trải qua nỗi khổ của những người mất nước.

Chân dung anh hùng Bế Văn Đàn (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

(TyGiaMoi.com) - Chân dung anh hùng Bế Văn Đàn (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

Sau khi chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 kết thúc thắng lợi, quân và dân ở Cao Bằng tiếp tục đoàn kết với các tỉnh vùng Đông Bắc, phấn khởi và hăng hái chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào Chiến dịch Biên giới năm 1950. Trong tình thế đó, vào tháng 1/1949, chàng trai trẻ Bế Văn Đàn đã gia nhập bộ đội với ước mong được tham gia vào trận chiến, giải phóng quê hương.

Anh được phân vào Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, là một phần của quân chủ lực của Bộ Quốc phòng. Trong giai đoạn từ năm 1949-1953, Bế Văn Đàn với tinh thần dũng cảm đã cùng đơn vị tham gia vào nhiều trận đánh trong các chiến dịch, vượt qua mọi khó khăn và thử thách, không ngại gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Người anh hùng trẻ tuổi hy sinh thân mình làm giá súng

Trước tình hình phức tạp sau thất bại nặng nề trong Chiến dịch Biên giới năm 1950 và các chiến dịch khác, thực dân Pháp đã đề ra kế hoạch Navarre, tăng cường lực lượng binh lính nhằm xoay chuyển tình thế chiến lược. Chúng đã cử 6 tiểu đoàn viễn chinh xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành hệ thống cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương.

Trong tình hình đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, với quyết tâm tiêu diệt cụm cứ điểm Điện Biên Phủ và giải phóng Tây Bắc. Quân ta đã thực hiện nhiệm vụ với sự quyết tâm cao độ, khí thế ra trận hào hùng và Bế Văn Đàn cùng đơn vị đã hành quân tham gia vào chiến dịch.

Bế Văn Đàn được chỉ huy giao nhiệm vụ làm liên lạc viên cho một đại đội thuộc tiểu đoàn, đóng quân tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, nơi địch đã bao vây chặt. Với áp lực ngày càng gia tăng với những phản kích liên tiếp từ địch, mục tiêu của địch là phá vỡ vòng vây và thoát khỏi tình thế "vòng kim cô" tử thần. Trận đánh ngày càng trở nên ác liệt, với sự chiến đấu gay gắt từ cả hai bên.

Trong khi đó, quân đội ta kiên quyết giữ vững vòng vây nhưng địch không ngừng nỗ lực phá bỏ nó. Để đối phó, mệnh lệnh ra từ cấp trên yêu cầu: bằng mọi giá phải chặn giữ địch tại Mường Pồn, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực của ta triển khai lực lượng, tiếp cận trận địa, thực hiện nghiêm theo chủ trương, kế hoạch của chiến dịch. Mệnh lệnh này cần được truyền đạt ngay tới đơn vị chiến đấu và cổ vũ tinh thần đến từng cán bộ, chiến sĩ, từ đó tạo ra sự quyết tâm cao hơn, biến ý chí thép thành động lực, làm cho sức mạnh của chúng ta có thể đánh bại kẻ thù. Hiểu được trách nhiệm cao cả đó, mặc dù mới đi công tác về đến đơn vị, đồng chí Bế Văn Đàn đã xung phong nhận nhiệm vụ này.

Anh hùng Bế Văn Đàn đã vượt qua bom đạn, tiến vào đơn vị chiến đấu, truyền đạt mệnh lệnh một cách nhanh chóng và chính xác. Mọi thành viên trong đơn vị đã hiểu rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ và đã biến thành tấm chắn vững chắc ngăn chặn địch. Trận chiến ngày càng trở nên khốc liệt và với mỗi trận phản công từ địch, quân số của đơn vị giảm đi.

Đồng chí Bế Văn Đàn nhận lệnh cấp trên ở lại cùng đồng đội chiến đấu. Sau 2 đợt phản kháng thất bại, đến lần thứ 3 quân địch điên cuồng phản kích, nhằm chọc thủng vòng vây của ta. Lúc này, đơn vị thương vong rất nhiều, chỉ còn lại 17 tay súng, Bế Văn Đàn cũng bị thương nhưng anh và đồng đội vẫn tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ.

Tranh vẽ “Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn” (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

(TyGiaMoi.com) - Tranh vẽ “Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng trong trận chiến đấu ở Mường Pồn” (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân)

Một khẩu súng trung liên của đơn vị không thể hoạt động do xạ thủ đã hy sinh. Khẩu trung liên của đồng chí Chu Văn Pù cũng không thể bắn được vì địa hình, địa vật che khuất tầm ngắm, đồng chí Pù cố gắng đặt khẩu trung liên lên mặt đất. Đây là loại súng hỏa lực mạnh của quân đội ta để khống chế địch. Địch lại phản kích dữ dội, nhìn thấy đồng đội hy sinh, bị thương, lòng căm tức trong lòng người anh hùng trẻ bùng cháy hơn bao giờ hết, Bế Văn Đàn lao về phía đồng chí Pù và ngồi xuống, giữ chặt khẩu trung liên với hai chân đặt lên vai và hét cho đồng đội bắn ngay.

Tất cả đều rất bất ngờ và xúc động, đồng chí Pù còn do dự, không dám bóp cò. Trong khoảnh khắc, như hiểu được ý của đồng đội, Bế Văn Đàn hét to: “Kẻ thù đang trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi!”. Nước mắt rơi trên gò má, Chu Văn Pù cắn răng, bóp cò, trút hoả lực về phía trước, hàng chục kẻ địch ngã xuống. Đợt phản kích của chúng bị hoàn toàn đánh bại.

Chúng ta tiếp tục giữ vững trận địa nhưng trong khi lấy thân mình làm giá súng, đồng chí Bế Văn Đàn bị thương nặng ở ngực; anh đã hy sinh dũng cảm khi làm tan đội hình phản kích của quân thù. Đồng đội vô cùng tiếc thương và cảm kích, khẩu trung liên vẫn được Bế Văn Đàn nắm chặt, gác lên chân đế trên vai mình, với nòng súng hướng về phía địch. Anh hy sinh khi chỉ mới 22 tuổi. Hình ảnh này trở thành biểu tượng cao đẹp về ý chí chiến đấu quả cảm, quyết tâm tiêu diệt quân thù, là sự hy sinh vĩ đại cho Tổ quốc.

Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng (mô hình tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ) (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

(TyGiaMoi.com) - Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng (mô hình tại Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ) (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Hình ảnh của Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng đã trở thành một biểu tượng đặc biệt trong quân đội Việt Nam. Tại đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn đã được trao Huân chương Chiến công hạng Nhất và được bầu là Chiến sĩ thi đua hàng đầu của tiểu đoàn. Với những thành tích đặc biệt, vào ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.

Vào tháng 5/1959, Đảng, Nhà nước và nhân dân địa phương đã chuyển hài cốt của Bế Văn Đàn từ Mường Pồn, nơi anh đã hy sinh, về Nghĩa trang Liệt sĩ A1 - nghĩa trang cấp Quốc gia tại tỉnh Điện Biên.

Anh hùng Bế Văn Đàn chiến đấu, hy sinh, góp phần vào Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Để tưởng nhớ và biểu dương công lao của Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, tên của anh đã được đặt cho nhiều con đường và trường học ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Di tích Mường Pồn, nơi anh hùng Bế Văn Đàn đã hy sinh, luôn được xem là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục và tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu can đảm của thế hệ cha ông trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.

Tham khảo:

- Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng - Báo Quân đội Nhân dân

- Anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn - Báo Cao Bằng

>> Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nổi tiếng với bức ảnh ‘Nụ cười chiến thắng’, được đặt tên cho một trường tiểu học tại Cuba

Người Anh hùng bắt sống tướng De Castries vừa được lấy tên để đặt tên đường, là cháu của danh nhân văn hoá Tạ Hiện

Nữ Đại tá là Anh hùng LLVTND đầu tiên của ngành tình báo, hoạt động bí mật hàng chục năm với nhiều chiến công lừng lẫy

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-anh-hung-dan-toc-tay-hy-sinh-than-minh-lam-gia-sung-gop-phan-tao-nen-chien-thang-dien-bien-phu-lung-lay-nam-chau-chan-dong-dia-cau-d122120.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Người anh hùng dân tộc Tày hy sinh thân mình làm giá súng, góp phần tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’
    POWERED BY ONECMS & INTECH