Người dân 2 tỉnh đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập Bình Phước và Đồng Nai
Tỉnh Đồng Nai vừa tổ chức kỳ họp HĐND để thông qua nghị quyết về chủ trương sáp nhập với tỉnh Bình Phước, hướng tới hình thành một trung tâm phát triển mới ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại kỳ họp thứ 27 của HĐND tỉnh Đồng Nai diễn ra ngày 29/4, các đại biểu đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập tỉnh Đồng Nai với Bình Phước.

Các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giảm còn 55 xã, phường (gồm 40 xã, 15 phường); giảm 104 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay, đạt tỷ lệ tinh giản 65,4%.
Sau sắp xếp xã Trị An có diện tích lớn nhất 660,46km2, xã Bình Minh có diện tích nhỏ nhất 36,68km2. Xã Xuân Lộc có dân số lớn nhất hơn 104.300 người, xã Nam Cát Tiên có dân số ít nhất hơn 15.920 người. Phường Bình Lộc có diện tích lớn nhất 77,21 km2, phường Tam Hiệp có diện tích nhỏ nhất 10,81km2. Phường Trấn Biên có dân số lớn nhất hơn 197.000 người và phường Xuân Lập có dân số ít nhất hơn 18.940 người.
Có 2 phường và 3 xã giữ nguyên không thực hiện sắp xếp do đã đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số hoặc có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối với các đơn vị hành chính liền kề.
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã biểu quyết tán thành chủ trương sáp nhập tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, đơn vị hành chính sau sáp nhập mang tên tỉnh Đồng Nai. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại địa điểm hiện nay của tỉnh Đồng Nai, với diện tích 12.737 km2, dân số hơn 4,3 triệu người và có 95 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

UBND tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính giữa 2 tỉnh. Sau khi tổng hợp, đa số người dân đều bày tỏ sự đồng thuận cao với phương án này.
Cụ thể, tại Bình Phước có 97% cử tri nhất trí với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính; tại Đồng Nai là 95%.
Việc hợp nhất hai tỉnh được kỳ vọng tạo thế và lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Tỉnh mới sẽ có điều kiện tái cơ cấu sản xuất, ngành nghề, tổ chức không gian đô thị, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Nằm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai mới sẽ là đầu mối liên kết, thúc đẩy tăng trưởng khu vực Nam Bộ và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Ông Thái Bảo, Chủ tịch HĐND tỉnh, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo, tổng hợp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan đến đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để trình thẩm định theo quy định. Đồng thời, cần đảm bảo sự ổn định của các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của bộ máy hành chính.
>>Hải Phòng và Bắc Ninh sau sáp nhập: Địa phương nào có quy mô kinh tế lớn hơn?
Loạt phương án tránh bỏ hoang, lãng phí nhà đất công dôi dư sau sáp nhập
Thu ngân sách tăng gần 550 lần sau 27 năm, tỉnh này sau sáp nhập có tiềm lực kinh tế đáng gờm