Chứng kiến cảnh 1.300 người đội nắng tham gia bốc thăm mua 149 căn hộ tại dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mới thấy nhu cầu nhà ở giá rẻ hiện đang lớn tới mức nào.
Sau những biến cố năm 2022, loạt doanh nghiệp bất động sản lâm vào cảnh thua lỗ hoặc kết quả kinh doanh sa sút nghiêm trọng.
Sang quý 1/2023, ngoại trừ dấu ấn từ kết quả kinh doanh của nhóm Vingroup, lợi nhuận của nhóm bất động sản nói chung ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ; những giải pháp gỡ khó từ Chính phủ liên quan đến vấn đề tín dụng, trái phiếu vẫn cần thêm thời gian thẩm thấu.
Trước mắt, câu chuyện Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc giải pháp tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian tới đang được thị trường đặt nhiều kỳ vọng.
Thêm nữa, gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng cũng trở thành liều "doping" với những ông lớn đang tham chiến mảng nhà ở dân dụng (trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân) như Vinhomes, Tập đoàn Hòa Bình, Becamex IDC, Tổng CTCP Viglacera, Tập đoàn Apec, Tập đoàn Nam Long, Địa ốc Sài Gòn, Hoàng Phúc, TTC Land, Địa ốc Hoàng Quân, HUD,...
Còn nhớ tại ĐHCĐ thường niên 2022 của CTCP Vinhomes, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT từng cho biết, trong 5 năm tới doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng khoảng 500.000 căn nhà ở xã hội khu vực vùng ven các đô thị lớn như: TP. HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,... (quy mô của các dự án sẽ từ 50 - 60 ha).
Mặc dù nhận được những hỗ lực từ các chính sách tài khóa, tiền tệ,... song nhu cầu về nhà ở xã hội trên thị trường vẫn là rất lớn.
Dân đội nắng 40 độ đi xếp số mua nhà, người trẻ càng háo hức
Dẫn nguồn Tuổi Trẻ, sáng ngày 20/5/2023, tại nhà thi đấu quận Cầu Giấy, hơn 1.300 người đã tham gia bốc thăm mua 149 căn hộ tại dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội; tỷ lệ cạnh tranh là 1/9.
Theo Tiền Phong, đến trưa ngày 21/5, dưới nắng nóng đổ lửa 39 - 40 độ, nhiều người dân lại tập trung tại Văn phòng đại diện CTCP Đầu tư Xây dựng NHS (phố Thành Thái, Cầu Giấy, Hà Nội) để làm thủ bốc thăm "đầy may rủi" quyền thuê và vị trí căn hộ thuê tại dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn.
Theo thông báo của Sở Xây dựng thành phố, giá bán căn hộ tại dự án khoảng 19,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì 371.869 đồng/m2). Đây là mức cao nhất từ trước đến nay tại Hà Nội (so với mức 13 - 17 triệu đồng/m2 trước đó).
Với mức giá được công bố, để sở hữu 1 căn tại dự án trên (diện tích từ 69,9 - 76,8 m2), người mua cần bỏ ra số tiền 1,3 - 1,5 tỷ đồng.
Kết thúc phiên bốc thăm, rất nhiều người dân buồn bã trở về vì không trúng suất mua nhà tại dự án sau nhiều ngày chờ đợi. Bù lại, những người may mắn lại bày tỏ sự sung sướng khó tả.
Hàng trăm người trẻ đã được ghi nhận tham gia đăng ký bốc thăm tại dự án Nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Điều này phần nào cho thấy không chỉ công nhân tại các khu công nghiệp, nhu cầu ở của người trẻ tại các dự án nhà ở xã hội ở nhiều địa phương cũng là rất lớn - đặc biệt trong bối cảnh giá bán các dự án căn hộ vẫn đang tăng cao và vượt quá thu nhập của nhiều người.
Điều khiến doanh nghiệp chưa mặn mà làm dự án
Trong một lần trả lời báo giới, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Căn hộ Nam Long (thuộc Tập đoàn Nam Long) cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội đối với nhiều doanh nghiệp là một nỗi e ngại bởi chi phí đầu vào như giá đất, nguyên vật liệu,... đều tăng trong khi các thủ tục pháp lý dự kéo dài gây áp lực lớn đến chi phí cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp.
"Với biên lợi nhuận không vượt quá 10% trên chi phí được công nhận, thật khó đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp", ông Quang cho biết.
Với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 (bao gồm 428.000 căn cho giai đoạn 2021 - 2025 và 634.000 căn cho giai đoạn 2025 - 2030), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã thừa nhận những bất cập về việc triển khai mô hình bất động sản này đồng thời cho rằng để phát triển nhà ở xã hội cần phải giải quyết một số vấn đề như: Bố trí quỹ đất; sự quan tâm của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp trong việc chăm lo nhà ở cho người dân,...
Để đạt được mục đích này, Bộ trưởng Xây dựng cho biết các địa phương phải đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng NƠXH trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác.
Đối với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn, ngoài việc phát triển các dự án khu đô thị/nhà ở, cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư phát triển nhà ở dành cho các đối tượng thu nhập thấp.
Ngân hàng đã lên "dây cót" giải ngân nhưng đường băng từ Bộ vẫn chưa "khánh thành"
Tại Hội nghị triển khai đề án “Đầu tư Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2030”, ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước cho biết, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội triển khai từ 1/4/2023 đến hết năm 2030 với chủ lực là 4 ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank).
Tuy nhiên sau hơn 1 tháng triển khai, gói tín dụng này hiện vẫn chưa phát sinh dư nợ.
Ông Bắc cho rằng hiện có nhiều vướng mắc đang cản trở việc giải ngân như: Lựa chọn chủ đầu tư, quỹ đất, xác định giá bán hay ưu đãi dành cho chủ đầu chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, quy định về điều kiện được mua dự án hiện cũng đang gặp nhiều ý trong đó điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân đã không còn phù hợp.
Vị lãnh đạo nhấn mạnh, những khó khăn vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Trước đó, tại cuộc họp tín dụng có liên quan hồi cuối tháng 4/2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Không có vướng mắc gì về thủ tục vay gói ưu đãi 120.000 tỷ đồng. Người dân mua nhà xã hội chỉ cần đáp ứng điều kiện vay lần đầu tiên”.
Bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết, vướng mắc lớn nhất với gói 120.000 tỷ đồng là việc chưa có dự án để cho vay.
Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm, ngân hàng đã triển khai tới các chi nhánh song vì Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án; trên cơ sở đó ngân hàng mới tiếp cận để triển khai cho vay nên quá trình không thể nhanh được, cần thêm nhiều thời gian.
Phía VietinBank thì cho rằng, các ngân hàng đã hết sức trách nhiệm trong khi sự đồng hành của các bên chưa kịp. Vậy thì phải chờ cùng nhịp bước mới có thể triển khai.
Từ 1/2025, 3 chính sách quan trọng về đất đai và bất động sản chính thức có hiệu lực 
Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất