Người dân và doanh nghiệp TP.HCM thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, không cần phải đến trực tiếp cơ quan hành chính Nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức.
Đây là một trong những mục tiêu TP.HCM đặt ra khi ban hành kế hoạch triển khai công trình “Xây dựng Chính quyền số Thành phố Hồ Chí Minh”, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Công trình nhằm đổi mới và phát triển chính quyền thành phố, hướng tới mô hình chính quyền số hiện đại, điển hình và tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào quản trị và cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; giúp cơ quan Nhà nước tăng cường minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển thành phố thông minh. Kế hoạch triển khai công trình đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu về chính quyền số theo chương trình chuyển đổi số TP.HCM giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Điển hình là TP.HCM vừa ra mắt Hệ thống phục vụ quản trị thực thi và điều hành thành phố dựa trên các nền tảng và dữ liệu số. Cụ thể, thành phố sẽ triển khai các giải pháp nhằm phục vụ quản trị thực thi và điều hành thành phố thông minh; thực hiện tổ chức theo dõi, giám sát và dự báo các vấn đề đang gặp phải bằng việc ứng dụng dữ liệu lớn, trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo giúp Lãnh đạo TP.HCM quản lý, điều hành đô thị hiệu quả dựa trên dữ liệu. Đây cũng là sản phẩm thành phố sẽ tập trung nguồn lực hoàn thiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, TP.HCM cũng triển khai, vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, quy trình, thời gian, kết quả giải quyết... giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, nắm bắt và thực hiện thủ tục hành chính. Đổi mới quy trình, từng bước tự động hóa các bước, từ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, phê duyệt kết quả đến trả kết quả, giúp rút ngắn thời gian giải quyết, giảm thiểu chi phí.
Nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, không cần phải đến trực tiếp cơ quan hành chính Nhà nước, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước, giúp lãnh đạo nắm bắt thông tin về tình hình giải quyết thủ tục hành chính, từ đó có biện pháp chỉ đạo, điều hành kịp thời, hiệu quả.
TP.HCM cũng đã chuyển đổi các hoạt động quản lý, lưu trữ, xử lý và truy cập các tài liệu và văn bản từ giấy sang sử dụng công nghệ số hóa giúp cải thiện quy trình làm việc; Tăng cường hiệu suất và khả năng quản lý thông tin.
Đồng thời, vận hành các hệ thống quản lý chuyên ngành trên các nền tảng số, trong đó tập trung chọn lựa các lĩnh vực cần ưu tiên trọng điểm để thực hiện số hóa, nhằm mục tiêu cải thiện quản lý, vận hành các hoạt động liên quan đến lĩnh vực, ngành; chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản trị thực thi và điều hành. Triển khai các hệ thống phục vụ tổng hợp, theo dõi các chỉ tiêu kinh tế xã hội phục vụ quản lý điều hành của lãnh đạo thành phố, địa phương trên các màn hình giám sát tại Trung tâm điều hành, thiết bị di động của lãnh đạo. Ứng dụng AI, bigdata trong phân tích dự báo phục vụ ra quyết định.
Để thực hiện kế hoạch trên, UBND TP.HCM giao cho Sở TT&TT là đơn vị điều phối chung và tổng kết việc thực hiện công trình “Xây dựng Chính quyền số Thành phố Hồ Chí Minh” trong Quý 3/2024. Sở TT&TT tổ chức truyền thông các sự kiện, sản phẩm, kết quả triển khai công trình; chủ trì, tổ chức kiểm tra, theo dõi, giám sát việc triển khai các Hệ thống thông tin dùng chung của thành phố, đảm bảo quá trình vận hành và sử dụng được thông suốt.
Sáp nhập cơ quan, đơn vị: Có người tài mới làm ra thể chế tốt 
Chuyên gia thuế chỉ rõ thiệt thòi người nộp thuế thu nhập cá nhân phải gánh