Sự say đắm mà Bảo Đại dành cho bà lớn đến mức khiến cho cả Hoàng hậu Nam Phương cũng phải hành động.
Lý Lệ Hà sinh năm 1920, quê ở Hải Phòng. Bà là một trong hai vũ nữ nổi tiếng nhất Hà Nội những năm cuối thập kỷ 1930, đầu thập kỷ 1940, là “nữ hoàng” của vũ trường Liszt phố Bà Triệu. Bà cũng là cô gái đoạt danh hiệu hoa khôi đầu tiên của Việt Nam.
Về nhân duyên gặp gỡ giữa người đẹp với Bảo Đại , có giai thoại cho rằng chính hoàng thân Vĩnh Cẩn giới thiệu bà cho nhà vua vào đầu những năm 1940, khi vua đang ở Sài Gòn chữa cái chân gãy, hậu quả của cuộc đi săn ở Đà Lạt.
Một tài liệu viết: “Lý Lệ Hà đã quyến rũ ông ở Sài Gòn những năm 1940. Đó là một nữ hoàng sắc đẹp, hoa hậu Hà Nội năm 1938 hay 1939 gì đó. Tin đồn về sắc đẹp của cô gái họ Lý đã đến tai người anh em họ tận tình Vĩnh Cẩn và ông này đã đưa Lý Lệ Hà đến gặp Bảo Đại tại nơi ở tại thủ phủ xứ Nam Kỳ”.
Giai thoại kể rằng, cô vũ nữ hàng đầu của vũ trường Liszt sở hữu thân hình quyến rũ và nụ cười mê đắm lòng người với hàm răng được ví như “bạch ngọc”. Vậy là “thiếp danh đưa đến lầu hồng, hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa”. Bất chấp khi đó, Bảo Đại mới vừa lập “phòng nhì” với thứ phi Mộng Điệp.
Cũng nói thêm, Mộng Điệp - chứ không phải Lý Lệ Hà - mới là người đàn bà đầu tiên chen chân vào cuộc hôn nhân một vợ một chồng mặn nồng suốt 10 năm của Bảo Đại và Nam Phương. Người con gái phương Bắc lúc gặp cựu hoàng còn vừa sinh con chưa đầy năm nhưng nhan sắc hiền thục, nết na của Mộng Điệp đã làm xiêu lòng Bảo Đại. Ông đưa bà về biệt thự số 51 Trần Hưng Đạo chung sống như vợ chồng, nhận con trai riêng của bà làm con đỡ đầu, chính thức phản bội lại lời thề với Hoàng hậu Nam Phương .
Song, Mộng Điệp không làm Nam Phương bận lòng như Lý Lệ Hà. Hai người kè kè bên nhau tiệc tùng hàng đêm bất chấp sự dị nghị; Bảo Đại có đi đến địa phương nào cũng đều mang người đẹp đi theo. Tai tiếng trong mối quan hệ đó khiến Hoàng hậu Nam Phương, vốn vẫn “mắt nhắm mắt mở” khi đối mặt với thói trăng hoa của chồng, cũng khó kiềm lòng.
Ông Phạm Khắc Hòe, người từng là thư ký riêng của vua Bảo Đại, kể lại trong hồi ký: Một ngày năm 1946, cựu hoàng nhờ ông cầm thư từ Hà Nội vào Huế đưa cho vợ để xin tiền. Bà Nam Phương hỏi: "Ông Hoè! Chắc ông biết tôi rất tin ông, quý trọng ông, trước cũng như nay. Cho nên tôi muốn ông cho biết tất cả sự thật về việc ông Vĩnh Thuỵ mê con Lý". Không dám trả lời thẳng, ông Phạm Khắc Hòe nói mình chỉ nghe loáng thoáng chuyện ấy. “Ông có biết con Lý nhiều không? Và con người ấy thế nào?” – bà Nam Phương hỏi, và nhận được câu trả lời khá qua quýt: “Chúng tôi chưa bao giờ thấy mặt cô Lý, chỉ nghe nói là cô ấy đẹp. Còn về đạo đức tất nhiên là xấu rồi”.
Ông Hòe cũng khuyên cựu hoàng hậu đưa gia đình ra Hà Nội ở với chồng, đang làm cố vấn cho Chính phủ, nhưng sau một ngày suy nghĩ, bà Nam Phương quyết định không nghe theo, lý do là bà không muốn gây tốn kém thêm cho Chính phủ cách mạng vốn đang nghèo và phải lo trăm chuyện và cũng không muốn chồng gò bó, mất vui: “Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng”. Bà cũng nhờ ông Phạm Khắc Hòe đưa thư cho chồng, không biết trong thư viết những gì mà khi đọc, mặt Bảo Đại tái dần đi.
Năm 1946, Bảo Đại sang Hong Kong (Trung Quốc). Lý Lệ Hà đã lặn lội đi đường bộ sang Thượng Hải, sau đó đến Hong Kong để đoàn tụ với cựu hoàng. Trong khi ấy, Mộng Điệp vẫn ở Hà Nội và Nam Phương đang ở Huế.
Trong một lần gửi vàng tiền sang Hong Kong trợ cấp cho Bảo Đại, Nam Phương Hoàng hậu đã viết một bức thư tay cho Lý Lệ Hà. Nội dung cụ thể như sau: "Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hong Kong. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương!". Bức thư này được Lý Lệ Hà giữ gìn cẩn thận cả nửa thế kỷ sau.
Nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc đó cũng như thân thế phức tạp của cô vũ nữ Lý Lệ Hà, có lẽ lá thư của Nam Phương chứa đựng nhiều ẩn ý lớn lao hơn là chuyện ghen tuông thường tình. Bởi xét cho cùng, Mộng Điệp mới đáng để Nam Phương quan tâm khi "thứ phi" sinh con cho vua, lại được mẹ chồng là Đức Từ Cung sủng ái. Còn Lý Lệ Hà thấp kém sao có thể khiến Nam Phương để mắt. Chỉ có thể giải thích rằng, Lý Lệ Hà thực sự có một vai trò đặc biệt nào đó đối với cuộc đời của vị vua cuối cùng triều Nguyễn trong giai đoạn lịch sử đầy biến động.
Dù dốc tiền dốc sức lo cho Bảo Đại những ngày ở Hong Kong, mối quan hệ giữa Lý Lệ Hà và cựu hoàng không kéo dài. Người đàn ông đa tình này nhanh chóng có những tình nhân mới, đặc biệt là cô gái người Trung Quốc lai Tây Hoàng Tiểu Lan (Jenny Woong). Ông có với cô này một đứa con gái.
Lý Lệ Hà quay về Việt Nam. Theo một số tài liệu, thời gian sau bà sang Pháp, lấy chồng người bản địa và sống ở ngoại thành Paris. Bà không gặp lại Bảo Đại nữa dù cựu hoàng cũng sống lưu vong ở đất nước này. Người tình một thuở của vị hoàng đế cuối cùng qua đời năm 1998, thọ 78 tuổi.