Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất ASEAN về triển vọng kinh tế
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các phương thức thanh toán số hóa.
Báo cáo nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng ASEAN 2024 do Ngân hàng UOB (Singapore) công bố mới đây cho thấy người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ về triển vọng kinh tế của đất nước, với hơn 70% người tham gia khảo sát tin tưởng vào sự tăng trưởng kinh tế trong 6-12 tháng tới. Tỷ lệ này cao hơn 18% so với mức trung bình của khu vực, cho thấy niềm tin tích cực của người Việt trong bối cảnh phục hồi kinh tế và tăng trưởng GDP ấn tượng, đạt 6,42% trong nửa đầu năm nay.
Ngoài triển vọng kinh tế chung, người tiêu dùng Việt Nam cũng thể hiện sự lạc quan cao nhất khu vực về tình hình tài chính cá nhân. Theo báo cáo, 90% người được hỏi kỳ vọng tài chính của họ sẽ ổn định hoặc cải thiện vào giữa năm 2025, vượt qua các nước láng giềng như Indonesia (89%) và Thái Lan (82%).
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là nỗi lo lớn, với 60% người được khảo sát lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi 77% người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm Gen Z, lo ngại về các vấn đề tài chính nói chung.
Ông Paul Kim, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân, Ngân hàng UOB Việt Nam phát biểu tại buổi công bố Nghiên cứu |
>> Tập đoàn Hong Kong chi hơn 380 tỷ xây nhà máy sản xuất bao bì tại Hải Dương 
Báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam cho các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống sang trọng, và các sự kiện giải trí như hòa nhạc và lễ hội. 42% người Việt cho biết đã tăng chi tiêu cho các trải nghiệm này trong năm qua, cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN là 35%. Đặc biệt, người tiêu dùng trẻ, nhất là Gen Z, thể hiện xu hướng chi tiêu cho trải nghiệm với tỷ lệ 47%. Thái Lan và Singapore là hai điểm đến phổ biến nhất cho các hoạt động du lịch và mua sắm của người Việt trong khu vực ASEAN.
Bên cạnh chi tiêu, người Việt cũng cho thấy thói quen tiết kiệm vững chắc. Khoảng 60% người tiêu dùng Việt đã dành ít nhất 3 tháng chi phí để dự phòng cho các trường hợp khẩn cấp, cao hơn mức trung bình của khu vực là 54%. Gần một nửa số người được hỏi thường xuyên tiết kiệm hơn 20% thu nhập hàng tháng, đặc biệt là nhóm Gen Y. Xu hướng đầu tư cũng được thể hiện rõ, với 63% người tiêu dùng phân bổ hơn 10% thu nhập hàng năm vào các khoản đầu tư – cao hơn mức trung bình của khu vực ASEAN 10%.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các phương thức thanh toán số hóa. Hơn 70% số người khảo sát thích sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ (bao gồm thẻ vật lý và ứng dụng di động) khi thanh toán ở nước ngoài, trong khi chỉ 38% vẫn thích sử dụng tiền mặt. Theo ông Paul Kim, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân của UOB Việt Nam, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam đã tạo ra tâm lý lạc quan về tài chính cá nhân trong bối cảnh sự phát triển của ngân hàng và công nghệ số hóa. Ông nhấn mạnh: “Các phát hiện từ báo cáo giúp UOB hiểu sâu hơn về ưu tiên và hành vi tài chính của khách hàng, từ đó cải thiện dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của họ”.