Thị trường bất động sản thời gian qua liên tục "nhảy múa" chóng mặt khiến nhà đầu tư trở tay không kịp. Nhiều nhà đầu tư "mắc cạn" tại các dự án, trong khi thị trường thì méo mó. Vậy đâu là khởi nguồn của tình trạng này?
Vài năm sau vụ việc Công ty Địa ốc Alibaba tự vẽ dự án ma, phân lô bán cho hàng nghìn nhà đầu tư, tình trạng tách thửa vuông vắn, sắc cạnh đã trở thành một phong trào đầu tư mới, lan khắp các tỉnh, thành.
Các cá nhân, tổ chức đứng ra mua gom đất nông nghiệp với số lượng lớn. Sau đó, tách nhỏ các thửa đất, rầm rộ chào bán. Một số trường hợp đã thực hiện thành công việc tách thửa, xin chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang thành đất ở.
Tại Lâm Đồng, suốt từ năm 2019 đến nay, những đồi chè, quả núi bị xẻ ngang dọc bởi các con đường. Thực chất của việc làm này chính là việc núp bóng hiến đất làm đường để biến các khu đất lớn thành những thửa nhỏ, sau đó hợp thức hóa việc thực hiện dự án trái phép.
Hiện đã có gần 100 dự án thường gọi chung là khu nghỉ dưỡng được hình thành theo cách như vậy.
Từng phản ánh trong một bài viết hồi tháng 1/2022, tại Thanh Hóa, 2 dự án với tên gọi "PLand Ruby Sao Vàng" có vị trí ở xã Thọ Sơn (quy mô 22.000 m2) và "PLand Ruby Triệu Sơn" tại xã Hợp Thành (quy mô 6.500 m2) của huyện Triệu Sơn được giới thiệu rầm rộ trên các trang rao bán bất động sản và mạng xã hội.
Theo quảng cáo, 2 dự án này được đầu tư xây dựng bởi Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển PLand – Tập đoàn Pcorp. Trong đó, PLand Ruby Sao Vàng là khu nhà ở tiện ích được quy hoạch bài bản, hạ tầng hiện đại đầu tiên tại huyện Triệu Sơn… Trở thành khu dân cư đáng sống, đầu tư bậc nhất của huyện nói riêng và Thanh Hóa nói chung; là loại hình sản phẩm đất nền sổ đỏ lâu dài.
Các lô đất nền dự án này được rao bán từ 200 - 300 triệu đồng với lô đất nền 70m2 đến 110m2... tương đương khoảng 3 triệu đồng/m2.
Trên thực tế, cả 2 khu đất này đều có vị trí hẻo lánh, xa khu dân cư. Thời điểm phản ánh, cả 2 dự án đang trong giai đoạn làm hạ tầng và san lấp mặt bằng ngổn ngang.
Lãnh đạo huyện Triệu Sơn khẳng định, trên địa bàn huyện không có dự án nào với tên gọi như trên. Trong khi đó, lãnh đạo xã Hợp Thành (huyện Triệu Sơn) cho biết, có việc công ty đến mua đất của 2 hộ dân trên địa bàn xã, sau đó họ làm các thủ tục sang tên, đổi chủ. Vừa qua công ty có san lấp mặt bằng và xây dựng cống nước. Còn việc công ty quảng cáo và phân lô bán nền trên phần diện tích trên xã không nắm được.
Hay, cùng thời điểm vụ việc Công ty Địa ốc Alibaba bị phanh phui, ngay tại Hà Nội, cách đây vài năm trước cũng có một trường hợp "dự án ma" khác tại xã Cổ Đông, Sơn Tây, do Công ty Cổng Vàng tự vẽ 1 ra trên đất nông nghiệp, chia nhỏ lô đất và bán cho khoảng 70 khách hàng. Tuy nhiên, sau đó, công ty không tiến hành việc phân lô, tách thửa theo cam kết, và chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Đầu tháng 3 vừa qua, Viện Kiểm soát Nhân dân Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Tổng Giám đốc Công ty và và 3 bị can cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các nhà đầu tư vẫn đang "mắc cạn" tại dự án này.
Sau hơn 2 năm quay trở lại, khu đất từng được quảng cáo là dự án bất động sản với tên Golden Lake vẫn là vườn cây ăn trái sum suê. Còn những nhà đầu tư chưa đòi được tiền tỷ đã bỏ ra từ vài năm trước.
Không chỉ tại các địa phương nói trên, mà còn ở nhiều địa phương khác cũng xuất hiện tình trạng gom đất rồi phân lô, tách thửa bán với giá đất nền dự án cao chót vót.
Các chuyên gia nhận định, việc phân lô, tách thửa rầm rộ, dự án ma trên giấy, trên mạng chính là nguồn cơn gây nhiễu loạn, méo mó thị trường, đẩy giá đất bị thổi lên khắp nơi. Nhiều vụ việc việc chuyển đổi và tách thửa bất thành, khiến các nhà đầu tư lao đao, đất không có, tiền cũng chưa đòi lại được.
“Thời gian qua, việc đi gom đất sau đó phân lô, tách thửa diễn ra rầm rộ, nhiều lô đất chỉ để mua đi bán lại kiếm lời không phải đầu tư để sử dụng lâu dài. Đây là một trong các hành vi lách luật, tạo ra hàng hóa lậu, không phải là dự án chính thống được nhà nước phê duyệt quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho hay.
Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có Công văn số 1685/STNMT-ĐKTKĐĐ gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất. Không chỉ Hà Nội, một loạt tỉnh, thành đã lần lượt ra văn bản tạm dừng việc phân lô, tách thửa, để ngăn chặn tình trạng sốt đất.
Mặc dù đồng tình với việc siết phân lô, tách thửa, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, việc siết không nên thực hiện theo cách đánh đồng, mà cần được thực hiện có sự linh hoạt, có giải pháp tổng thể hơn để ngăn chặn hiện tượng đầu tư nhiều bất cập này.
"Không nhất thiết quy hoạch thành khu vực lớn, khu dân cư lớn, nhưng nếu nó xảy ra ở khu vực mật độ dân cư vô cùng đông đúc, chật chội, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, dứt khoát không cho phép làm việc đó nên cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn", Chuyên gia kinh tế - TS. Cấn Văn Lực nêu.
Hàng tồn kho và dự án mới: Tín hiệu hồi sinh mạnh mẽ của thị trường bất động sản 
BĐS sẽ bước vào 'vận hội mới': Đúng và trúng nhu cầu thị trường