Mỹ áp thuế 46%: Thị trường bất động sản Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào?
Bất động sản công nghiệp sẽ ảnh hưởng mạnh nhất trước việc Mỹ áp mức thuế mới đến các mặt hàng từ Việt Nam.
Ngày 2/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump  đã công bố áp mức thuế nhập khẩu 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Mức thuế này được áp dụng cho 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ. Quyết định này nằm trong chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhằm điều chỉnh cán cân thương mại và bảo vệ sản xuất nội địa.
Việc Hoa Kỳ chính thức áp mức thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam đang tạo ra những chấn động lớn đối với nền kinh tế, không chỉ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất – thương mại, mà còn lan rộng và ảnh hưởng đáng kể tới thị trường bất động sản .

Theo đó, bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng sớm và trực tiếp nhất. Việc các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn vì hàng hóa kém cạnh tranh khi vào thị trường Mỹ sẽ khiến chuỗi cung ứng chững lại, nhiều nhà máy có thể phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Hệ quả tất yếu là nhu cầu thuê đất công nghiệp và nhà xưởng sẽ giảm, khiến tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp vốn đang trong xu thế tăng trưởng có nguy cơ chững lại hoặc đi xuống. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp mà còn có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền với thị trường bất động sản liền kề.
Không dừng lại ở đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - một động lực quan trọng cho tăng trưởng bất động sản cũng có khả năng bị tác động. Trong bối cảnh môi trường thương mại quốc tế ngày càng rủi ro, việc Mỹ áp thuế cao với Việt Nam sẽ làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư đang tìm kiếm điểm đến thay thế Trung Quốc. Khi chi phí sản xuất tại Việt Nam không còn là lợi thế vượt trội do ảnh hưởng từ thuế quan, các nhà đầu tư có thể chuyển hướng sang các nước chưa bị ảnh hưởng như Indonesia, Ấn Độ hay Bangladesh. Sự sụt giảm FDI không chỉ khiến nhiều dự án bất động sản công nghiệp phải tạm dừng hoặc điều chỉnh quy mô, mà còn ảnh hưởng đến toàn thị trường bất động sản khi các phân khúc khác như văn phòng, bán lẻ, nhà ở cao cấp vốn đi kèm với dòng vốn FDI cũng chịu tác động dây chuyền.
>> Bất động sản công nghiệp trở thành 'miếng bánh' hút đầu tư 

Về mặt tiêu dùng trong nước, việc xuất khẩu gặp khó khăn có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, kéo theo ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập người dân và sức mua nói chung. Khi doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự hoặc giảm thu nhập, người lao động, nhất là tầng lớp trung lưu đang tạo nên nhu cầu mua nhà ở thực sẽ có xu hướng trì hoãn kế hoạch an cư hoặc đầu tư. Điều này khiến phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân vốn đang được kỳ vọng vực dậy thị trường nhà ở có thể đối mặt với làn sóng "nghẽn cầu" trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, bất động sản bán lẻ, thương mại cũng bị ảnh hưởng bởi sức mua yếu, đồng thời tâm lý ngại đầu tư của giới kinh doanh trong giai đoạn kinh tế bất ổn.
Về chính sách, việc Việt Nam có thể phải điều chỉnh tỷ giá, lãi suất hoặc các chính sách tài khóa - tiền tệ để bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh bị áp thuế cao và sẽ khiến mặt bằng chi phí vốn bị đẩy lên. Trong thị trường bất động sản vốn đang chịu áp lực thanh khoản, bất kỳ thay đổi nào liên quan đến chi phí vay vốn cũng đều tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý người mua và khả năng triển khai của chủ đầu tư. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gồng mình xử lý nợ trái phiếu, tồn kho lớn và dòng tiền yếu.
Tuy vậy, trong dài hạn, vẫn còn hy vọng rằng những khó khăn hiện tại sẽ là động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm và nội lực doanh nghiệp, từ đó tái củng cố niềm tin nhà đầu tư. Chính phủ cũng đã nhanh chóng tổ chức các cuộc họp khẩn cấp để đánh giá tác động và xây dựng phương án ứng phó phù hợp nhằm giữ chân các nhà đầu tư lớn và hỗ trợ thị trường.
Có thể thấy, từ sản xuất công nghiệp đến FDI, tiêu dùng và tín dụng đến bất động sản... tất cả đều phải chịu những tác động nhất định từ thay đổi địa chính trị thương mại này. Trong bối cảnh này, điều cần thiết nhất hiện nay là sự phối hợp nhanh chóng, linh hoạt giữa chính sách điều hành vĩ mô và phản ứng của thị trường nhằm duy trì niềm tin, tạo dư địa phục hồi và định hướng lại chiến lược phát triển dài hạn cho thị trường bất động sản.
>> Bất động sản công nghiệp Việt Nam thời Trump 2.0: Lợi thế hay 'bẫy' tăng trưởng?
'Cơn sốt' bất động sản Đà Nẵng: Lợi nhuận cao hay 'bong bóng ảo'? 
Tiềm năng bất động sản Tây Nam Bộ: Lộ diện ‘điểm sáng’ cho các nhà đầu tư