Chuyên gia chứng khoán nhận định, thời điểm hiện tại không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường chứng khoán ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực.
Nối tiếp những biến động tiêu cực trong tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi xuống trong tháng 5 khi VN-Index đóng ở mức 1.292,68 điểm - giảm 74,12 điểm (-5,42% so với cuối tháng 4); HNX-Index giảm 50,07 điểm (-13,69%) xuống 315,76 điểm; UPCoM-Index cũng giảm 8,86 điểm (-8,5%) xuống 95,45 điểm.
Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 6/2022, bà Nguyễn Thị Phương Lam - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) nhận thấy không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường, ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực.
Xét về định giá, nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt đã giảm về vùng giá hợp lý cho chiều nắm giữ. Tuy nhiên xét về yếu tố dòng tiền vì thiếu thông tin hỗ trợ, khả năng thanh khoản sẽ chỉ cải thiện nhẹ so với mức bình quân của tháng 5.
Theo ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Chiến lược và Quản lý Danh mục của Chứng khoán Pinetree, với thanh khoản thấp cũng như diễn biến phức tạp của tình hình vĩ mô thế giới, dù kinh tế trong nước ổn định hơn thì thị trường cũng đã bước qua giai đoạn tăng giá. Nếu thị trường tăng giá trở lại ngay trong tháng 6, sự hồi phục theo hình mẫu chữ V không hẳn là ổn định.
Ông Thành kỳ vọng thị trường hồi phục trong giai đoạn nửa sau 2022 theo hình mẫu chữ U khi kinh tế Việt Nam phục hồi tốt, lạm phát được kiểm soát và hoạt động đầu tư công tích cực hơn hiện tại.
Về chiến lược đầu tư cho tháng 6 này, khi cân nhắc đến các yếu tố thông tin, dòng tiền hay định giá, bà Lam nhận định thị trường đang ở thế cân bằng yếu. Do đó, vị chuyên gia gợi ý chiến lược đầu tư nên có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung - dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này. Thay vì full margin như thời gian trước, nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ đòn bẩy (hoặc có thể duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt ở mức 70:30), để dành sức mua chờ cơ hội ở những phiên điều chỉnh mạnh của thị trường.
Ngoài ra, việc giải ngân cũng cần có sự kiên nhẫn, chờ cổ phiếu ưa thích về vùng giá tốt để mua vào thay vì theo tâm lý FOMO như trước đây.
Những nhóm ngành phục hồi theo cùng sự phục hồi và tăng trưởng của kinh tế vẫn là những ngành có thể xem xét như nhóm liên quan xuất nhập khẩu (thủy sản, dệt may, cảng biển...); dòng FDI (khu công nghiệp) hay theo sự phục hồi tiêu dùng trong nước (bán lẻ, thực phẩm và đồ uống).
Đối với ông Thành, việc kiên trì tìm kiếm doanh nghiệp tốt vẫn là chiến lược đầu tư được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện tại.
Nhà đầu tư nên tập trung vào những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt, đầu ra ổn định hoặc có thế mạnh trong thị trường họ tham gia trong đó ông Thành đánh giá cao nhóm ngành về hạ tầng công nghiệp, điện,… cả hai đều có điểm tựa phòng thủ lại trong môi trường có tính biến động cao hiện tại.