Nhà máy bán dẫn lớn nhất Việt Nam muốn tăng công suất lên gấp 3 lần
Nhà máy có vốn đầu tư 1,6 tỷ USD này dự kiến nâng sản lượng từ 1,2 tỷ sản phẩm lên 3,6 tỷ sản phẩm/năm.
Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường do Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam thực hiện, Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) đang xin cấp phép để tăng công suất nhà máy bán dẫn tại Bắc Ninh.
Nhà máy có vốn đầu tư 1,6 tỷ USD này dự kiến nâng sản lượng từ 1,2 tỷ sản phẩm lên 3,6 tỷ sản phẩm/năm.
Kế hoạch mở rộng này sẽ tăng sản lượng hàng năm từ 420 tấn lên 1.600 tấn. Theo đại diện Amkor, dự án sẽ không thực hiện hoạt động bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam.
Dự kiến vào tháng 9/2025, nhà máy sẽ đồng thời triển khai quá trình vận hành và mở rộng.
Đến tháng 10/2025, nhà máy sẽ đi vào giai đoạn sản xuất ổn định. Các hạng mục mở rộng bao gồm lắp đặt máy móc, dây chuyền mạ, hệ thống xử lý sơ bộ nước thải và xử lý khí thải phát sinh từ quá trình mạ.
Hiện tại, nhà máy Amkor tại KCN Yên Phong II-C, Bắc Ninh, đang hoạt động một phần với công suất 420 triệu sản phẩm (tương đương 147 tấn/năm), chiếm 11,6% công suất dự kiến sau khi mở rộng.
Đội ngũ nhân sự hiện có 1.200 người và sẽ tăng lên 5.700 người trong giai đoạn hoạt động ổn định.
Trong báo cáo, Amkor đánh giá ngành sản xuất linh kiện điện tử và chất bán dẫn toàn cầu hiện tập trung chủ yếu tại các quốc gia như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc với tổng thị phần chiếm tới gần 87% toàn cầu.
Nhờ vị trí địa lý chiến lược và sự đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử bán dẫn, Việt Nam được nhận định có tiềm năng lớn để học hỏi, tiếp thu và áp dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, đặc biệt trong lĩnh vực bảng mạch điện tử.
Được biết, nhà máy bán dẫn Amkor chính thức khánh thành tại Bắc Ninh vào ngày 11/10/2023, với vốn đầu tư ban đầu 520 triệu USD. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất tại Việt Nam.
Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư cho Amkor Technology Việt Nam cho phép doanh nghiệp tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD.
Việc tăng vốn này được thực hiện sớm hơn 11 năm so với kế hoạch ban đầu đặt ra cho năm 2035.
Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động từ quý III/2024 và đã đạt doanh thu xuất khẩu 337,5 tỷ đồng trong năm đầu tiên. Số liệu này được công bố trong chuyến thăm chúc Tết của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng trước.
Hiện tại, công ty đang có 117 lao động nước ngoài và 1.256 lao động trong nước, với mức thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam đạt 22,3 triệu đồng/tháng.
> > Tuyến cao tốc 12.000 tỷ mà Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm đón tin vui