Nhà máy ở Thái Lan đóng cửa hàng loạt vì 'cơn lũ' hàng Trung Quốc giá rẻ
Làn sóng đóng cửa nhà máy ở Thái Lan đang lan rộng với tốc độ chóng mặt, đặt ra nhiều thách thứ cho quốc gia Đông Nam Á này.
Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á  đang phải đối mặt với khủng hoảng ngành sản xuất. Gánh nặng nợ nần lớn, chi phí sản xuất cao và sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, đã buộc nhiều nhà máy ở Thái Lan  phải dừng hoạt động.
Số liệu mới nhất của Bộ Công nghiệp Thái Lan chỉ ra, số nhà máy đóng cửa từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024 tăng 40% so với 12 tháng trước đó - dẫn đến hơn 51.500 công nhân rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tình trạng đóng cửa nhà máy ngày càng tăng, đặc biệt kể từ nửa cuối năm 2023. Năm 2021, số nhà máy đóng cửa trung bình mỗi tháng là 57. Con số này tăng lên 83 mỗi tháng vào năm 2022 và lên 159 mỗi tháng vào nửa cuối năm 2023.
Từ năm 2021 đến tháng 5/2024, hãng nghiên cứu kinh tế KKP Research ước tính có hơn 3.500 nhà máy đóng cửa. Những nhà máy này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất sản phẩm nhựa, da, cao su, thực phẩm, máy móc, sản phẩm cơ khí, kim loại, chế biến gỗ và sản phẩm gỗ.
Bên cạnh đó, tốc độ mở nhà máy mới đang chậm hơn đáng kể so với tốc độ đóng cửa, khiến cho số lượng nhà máy mới tiếp tục giảm.
Cạnh tranh từ Trung Quốc
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), Kriengkrai Thiennukul, đã đưa ra một số nguyên nhân lớn dẫn đến xu hướng các nhà máy đóng cửa hàng loạt.
Theo ông, các nhà sản xuất trong nước đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập khẩu giá rẻ từ các công ty nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Cụ thể, hàng hóa Trung Quốc đang tràn vào thị trường Thái Lan qua nhiều kênh, khiến sản phẩm nội địa lép vế về giá cả.
Tình trạng này càng trầm trọng thêm khi Mỹ và EU áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, buộc các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường châu Á và ASEAN, trong đó có Thái Lan.
Người đứng đầu FTI giải thích, hậu quả là nhiều doanh sản xuất vừa và nhỏ của Thái Lan không thể trụ vững và buộc phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp khác cố gắng cầm cự bằng cách giữ lại bộ phận bán hàng hoặc tiếp thị, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu hàng hóa để bán lại.
Bên cạnh đó, Sangchai Theerakulwanich - Chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ Thái Lan - nói rằng các nhà sản xuất nhỏ còn phải đối mặt với bài toán chi phí sản xuất gia tăng do giá năng lượng và nhân công cao.
Ông bình luận: “Chúng tôi cũng cạnh tranh với các doanh nghiệp đa quốc gia. Những nhà nhà sản xuất trong nước không thể thích ứng nhanh chóng phải đóng cửa nhà máy hoặc thay đổi để sản xuất thứ khác”.
Được biết hàng nhập khẩu giá rẻ trên thị trường ảnh hưởng tới hơn 20 trong số 45 nhóm ngành sản xuất công nghiệp mà FTI giám sát trong năm qua.
Ông Thiennukul cảnh báo, nếu không có biện pháp kịp thời, dự kiến sẽ có hơn 30 nhóm ngành sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng vì hàng nhập khẩu giá rẻ trong năm nay.
Thêm vào đó, hầu hết các ngành công nghiệp của Thái Lan vẫn mang tính truyền thống, chưa đáp ứng xu hướng hiện đại toàn cầu và còn gặp bất lợi về chi phí điện, nhân công cao.
Chủ tịch FTI lưu ý, tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Thái Lan có nguy cơ chứng kiến thêm thêm nhà máy đóng cửa trong khi các biện pháp bảo vệ ngành công nghiệp trong nước chưa đủ nghiêm ngặt để ngăn dòng chảy hàng nhập khẩu giá rẻ và chất lượng thấp vào nước này.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang dần rút khỏi thị trường này. Ví dụ như Suzuki Motor (Thailand) - công ty con của hãng xe Suzuki (Nhật Bản) - thông báo sẽ đóng cửa nhà máy lắp ráp ở Thái Lan vào cuối năm 2025 do doanh số bán hàng sụt giảm và sự cạnh tranh từ xe điện Trung Quốc.
Cần có sự thay đổi
Theo Reuters, các sản phẩm sản xuất công nghiệp của Thái Lan dự kiến sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu phục hồi.
Tuy nhiên, một số sản phẩm, đặc biệt là ổ đĩa cứng và thép (chiếm khoảng 35% giá trị sản xuất của cả nước) đang đối mặt thách thức lớn do khả năng cạnh tranh thấp.
Wirote Rotewatanachai, Giám đốc Viện Sắt thép Thái Lan (ISIT), chỉ ra rằng công suất hiệu dụng của ngành thép Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 29,3%, giảm so với mức 39,4% của cùng kỳ năm ngoái.
KKP Research tiết lộ, việc đóng cửa chủ yếu xảy ra ở các nhà máy lớn, còn các nhà máy mới mở cửa chủ yếu có quy mô nhỏ. Điều này cho thấy cấu trúc ngành thép Thái Lan đang có vấn đề.
Ngoài ra, nợ nần cũng là gánh nặng đè lên vai nhiều nhà máy. Theo KKP Research, số lượng nhà máy có nợ xấu đang tăng và có nguy cơ đóng cửa hơn.
Supavud Saicheua, Chủ tịch Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan, cho biết: “Trung Quốc đang thúc đẩy xuất khẩu mọi thứ. Những hàng nhập khẩu giá rẻ đó thực sự gây khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất trong nước”.
Ông Supavud Saicheua kêu gọi Thái Lan phải thay đổi, tập trung vào sản xuất các sản phẩm mà Trung Quốc không xuất khẩu và củng cố ngành nông nghiệp.
Bắt đầu từ tháng này, Thái Lan sẽ áp dụng thuế giá trị gia tăng 7% đối với hàng nhập khẩu giá rẻ có giá dưới 1.500 baht (41 USD), chủ yếu từ Trung Quốc. Nhưng những sản phẩm này vẫn được miễn thuế nhập khẩu.
KKP Research cũng cảnh báo rằng, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm suy giảm thêm khả năng cạnh tranh của Thái Lan, đặc biệt là trong ngành ô tô do sự gia tăng xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Vì vậy, FTI đã yêu cầu Chính phủ xem xét các biện pháp ngăn chặn né thuế trong bối cảnh căng thương mại Mỹ-Trung leo thang và hàng hóa của Trung Quốc đối mặt các các rào cản thương mại từ nhiều quốc gia khác.
Theo Bangkok Post, Reuters, The Nation
>> Ông lớn xe điện Trung Quốc bành trướng: Thái Lan giật mình, thế giới điêu đứng đối phó