Công ty năng lượng Nhật Bản đang đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) sang Đông Nam Á thông qua hợp tác lâu dài. Việt Nam là một trong các đối tác tiềm năng nhất với sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng và nguồn lực phát triển chuyển đổi năng lượng
Khí đốt tự nhiên đang trở thành nguồn tài nguyên quan trọng đối với 10 nước thành viên ASEAN. Đi đầu trong số đó, Việt Nam và Philippines đã bắt đầu nhập khẩu LNG vào năm 2023 để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Ở Đông Nam Á, “giải pháp năng lượng thực tế để giảm lượng khí thải carbon là giảm sản xuất điện đốt than và chuyển sang các nhà máy điện sử dụng khí đốt cùng với năng lượng tái tạo”, Michiaki Hirose, cựu Chủ tịch của tập đoàn năng lượng hàng đầu Nhật Bản là Tokyo Gas, trả lời phỏng vấn của báo Nikkei Asia vào năm 2017.
Tập đoàn Tokyo Gas và công ty năng lượng First Gen của Philippines dự kiến sẽ bắt đầu hợp tác vận hành một nhà máy LNG ở Philippines ngay khi được Chính phủ chấp thuận. Dự án này sẽ cung cấp LNG cho một nhà máy điện chạy bằng khí đốt tại địa phương.
Bộ trưởng Năng lượng Philippines, ông Raphael Lotilla, người đã gặp các quan chức Chính phủ Nhật Bản và Giám đốc điều hành khu vực tư nhân tại Manila vào ngày 1/4, cho biết ông rất hoan nghênh các khoản đầu tư của Nhật Bản vào phát triển LNG tại Philippines.
Khu vực dự trữ bảo quản khí hóa lỏng (LNG) của Tokyo Gas |
Vào tháng 12/2023, Nhật Bản, Úc và các nước thành viên ASEAN đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Cộng đồng Châu Á không phát thải (viết tắt là AZEC) tại Tokyo. Cộng đồng nằm trong khuôn khổ AZEC được thành lập nhằm tạo điều kiện hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các nước thành viên chuyển đổi sang các nguồn năng lượng ít gây ô nhiễm môi trường, giảm phát thải carbon.
Trong lịch sử, tập đoàn năng lượng Tokyo Gas đã nhập khẩu LNG và vận hành các kho cảng chứa khí hóa lỏng tại Nhật Bản từ năm 1969. Ông Hirose, cựu Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Nhật Bản, cho biết: “Nhật Bản đã trở thành cường quốc về LNG trong hơn nửa thế kỷ qua. “Kỷ nguyên LNG ” cũng sẽ đến Đông Nam Á thông qua chiến lược năng lượng tái tạo của mỗi quốc gia trong khu vực.”
Hirose dự đoán rằng quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sẽ kéo dài đến năm 2050 hoặc 2060. Tokyo Gas, công ty xử lý và kinh doanh khoảng 19 triệu tấn LNG hàng năm, đang tìm cách mở rộng thị trường tại Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam và Indonesia.
Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu khí đốt tự nhiên ở Đông Nam Á sẽ tăng lên 332,73 tỷ mét khối vào năm 2050, tăng gấp đôi so với mức nhu cầu năm 2020. Báo cáo của tập đoàn năng lượng toàn cầu Shell - LNG Outlook 2024 ước tính nhu cầu LNG toàn cầu sẽ tăng hơn 50% vào năm 2040 do nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á và việc chuyển đổi từ than sang khí đốt công nghiệp.
Tổng Giám đốc PV GAS tiếp ông Michiaki Hirose, cựu chủ tịch - cố vấn tập đoàn Tokyo Gas năm 2017 |
Cựu Chủ tịch Tokyo Gas  cho rằng lợi thế quy mô sẽ là chìa khóa để giảm thiểu chi phí sử dụng và kinh doanh LNG. Ông cho rằng: “Điều quan trọng là phải thúc đẩy mối quan hệ đôi bên cùng có lợi để giảm giá. Các công ty năng lượng Nhật Bản sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác với các khu vực nước ngoài có nhu cầu cao và môi trường kinh doanh ổn định."
Theo Hitoshi Kaguchi, Giám đốc đại diện của Mitsubishi Heavy Industries, công ty nắm giữ thị phần hàng đầu trên thị trường tua-bin khí sử dụng trong các nhà máy điện cũng đồng tình với nhận xét về xu hướng chuyển dịch năng lượng  ở Đông Nam Á.
Đơn đặt hàng tua-bin khí của công ty từ Đông Nam Á đã tăng hơn 50% tính theo megawatt vào năm 2023 so với năm 2022, với nhu cầu lớn nhất từ đất nước Singapore. Tập đoàn này cũng đang bắt đầu tìm kiếm đối tác tại các nước láng giềng trong khu vực.
Thách thức chuyển đổi năng lượng của khu vực Đông Nam Á
Giám đốc Kaguchi nói với Nikkei rằng các công ty năng lượng đã chuyển mình theo xu hướng an ninh năng lượng thế giới, đi đầu trong việc phổ biến sử dụng năng lượng xanh không phát thải và phát triển năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý rằng các yếu tố địa lý đang cản trở nỗ lực của châu Á trong việc khai thác năng lượng mặt trời và gió.
Sam Reynolds, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt/LNG châu Á tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng có trụ sở tại Mỹ , cho biết: “Để thúc đẩy nhu cầu ở nước ngoài, các công ty Nhật Bản đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng khí đốt và LNG mới tại các thị trường tiềm năng như Philippines và Việt Nam”.
Theo nghiên cứu của tổ chức này, nhập khẩu LNG của Nhật Bản đã giảm 20% kể từ năm 2018 xuống còn 67 triệu tấn, mức thấp nhất trong một thập kỷ và các công ty tiêu thụ lớn của nước này sẽ có nguồn cung LNG dư thừa theo hợp đồng ngày càng tăng cho đến năm 2030.
Reynolds cho biết các công ty Nhật Bản đang mong muốn “tăng cường cung cấp LNG để mua bán và giao dịch, nhằm theo đuổi các cơ hội mở rộng ra nước ngoài”.
Kho cảng LNG Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu hoạt động năm 2023 |
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tháng 3 năm nay đã công bố là đơn vị đầu tiên phân phối LNG tại Việt Nam . Việc đầu tư và phát triển khí LNG đang được chính phủ thực hiện gấp rút thông qua ngay từ đầu năm 2012 với hàng loạt các dự án lớn như hệ thống cảng tiếp nhận và phân phối LNG, các đường ống dẫn khí đốt; Trung tâm điện lực Sơn Mỹ và các đường dây đồng bộ đấu nối với hệ thống điện quốc gia, … nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi năng lượng sạch của doanh nghiệp và người dân.
>> PVGas sắp xây nhà máy cung cấp khí LNG tại Thái Bình, dự kiến thu về 1 tỷ USD/năm