Mới đây, tỉnh Quảng Đông công bố chương trình thí điểm đến năm 2025 sẽ tiếp nhận tổng cộng 300.000 sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc tại các vùng nông thôn.
Gong Chengqiang từng kiếm được 200.000 nhân dân tệ (tương đương 28.000 USD) mỗi năm khi làm việc cho một công ty công nghệ ở Hàng Châu. Tuy nhiên, công ty này đã đóng cửa vì đại dịch và giờ thì Gong đang là một nông dân trồng dâu ở tỉnh Chiết Giang.
Chàng trai 30 tuổi quyết định chuyển về sống ở nông thôn sau khi thử làm blogger về tài chính nhưng thất bại. Có niềm đam mê với hoa quả, Gong đã huy động được tiền đầu tư từ một số blogger khác để phát triển dự án nông nghiệp với tham vọng thay đổi hương vị, chất lượng và cả giá bán của 20 loại quả khác nhau.
Gong Chengqiang. Ảnh: Bloomberg. |
Các vùng nông thôn đang trở thành điểm đến của nhiều người trẻ Trung Quốc. Mới đây, tỉnh Quảng Đông công bố chương trình thí điểm đến năm 2025 sẽ tiếp nhận tổng cộng 300.000 sinh viên mới tốt nghiệp về làm việc tại các vùng nông thôn. Những người trẻ tham gia chương trình sẽ có 2 năm tham gia vào các dịch vụ công, thực tập nông nghiệp và các chương trình vườn ươm khởi nghiệp để có thể sáng tạo các ý tưởng kinh doanh.
“Chúng tôi hiểu rằng người trẻ là khoản đầu tư lớn nhất của các hộ gia đình, thậm chí còn lớn hơn cả bất động sản”, Du Peng – Phó hiệu trưởng ĐH Renmin nhận định. “Mất 20 năm hoặc hơn nữa để nuôi dạy một người trẻ, vì thế công việc của họ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả gia đình. Đó cũng là lý do tại sao Chính phủ quan tâm đến việc làm của người trẻ nhiều như vậy”.
Chen Bing (24 tuổi) tốt nghiệp ngành tâm lý học và đã làm tình nguyện viên tại một trường học ở nông thôn sau khi không thể tìm được công việc toàn thời gian đúng ngành đã được đào tạo. Mức thù lao nhận được là 2.300 nhân tệ mỗi tháng.
Mặc dù Chen yêu thích công việc này, có đôi lúc cô cảm thấy hoài nghi về tương lai của mình. Dẫu vậy, cuộc sống ở vùng quê vẫn có một số điểm thuận tiện như sự ổn định, không khí trong lành và nếu tham gia chương trình của Chính phủ thì còn được nhận trợ cấp chỗ ở và tiền ăn.
Wang Zhihao (24 tuổi) đang làm việc tại phòng tài chính của một xã ở Quảng Đông cho biết cậu cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với khi sống ở thành phố. Trước đó Wang sống ở Quảng Châu, phải di chuyển 1 giờ mới tới nơi làm việc và mức lương 2.000 nhân dân tệ có được từ vị trí kế toán thực tập chỉ đủ để trang trải tiền thực phẩm và thuê nhà ở.
“Ở Quảng Châu có quá nhiều thứ ngoài tầm với. Giá nhà và chi phí sinh hoạt khá đắt đỏ”, Wang nói.
>> Gen Z Trung Quốc đổ xô tích trữ vàng