Xã hội

Nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc: Trường 'nhẹ tay' cho đẹp hồ sơ?

Lê Huyền 14/05/2024 - 12:03

Theo các nhà quản lý giáo dục, có nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp xếp loại giỏi và xuất sắc, trong đó không loại trừ lý do nhà trường "nhẹ tay" để làm đẹp hồ sơ.

Lời tòa soạn

Những năm gần đây, tại không ít trường đại học, số sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc ngày càng nhiều. Việc xuất hiện quá nhiều sinh viên đạt kết quả học tập rất cao đặt ra nhiều câu hỏi như: Cách kiểm tra đánh giá sinh viên hiện nay ra sao? Bằng cấp có thực sự đi đôi với năng lực?...

Tuyến bài “Tại sao ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc?” giúp độc giả hiểu rõ hơn tình trạng này.

Những lý do "chính đáng"

TS Thái Doãn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP.HCM - cho biết một khóa tốt nghiệp của trường thường chỉ có 1-2 sinh viên xuất sắc, 8-10% loại giỏi, còn lại là khá và trung bình.

Ông Thanh nhận định số lượng sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc nhiều hay ít của một trường đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

"Yếu tố thứ nhất là trường đó đào tạo lĩnh vực nào, ngành nào. Bởi nhìn chung, các trường/ngành đào tạo về kinh tế, kinh doanh quản lý thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn các ngành học công nghệ kỹ thuật. Khi việc học nhẹ hơn thì việc đánh giá cũng nhẹ hơn, và kết quả học tập sẽ cao hơn" - vị phó hiệu trưởng phân tích.

tot nghiep 1.jpg
Sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Yếu tố thứ hai, theo ông Thanh, là năng lực thực thụ của chính sinh viên trường đó. Ở một số trường, kết quả học tập của sinh viên rất tốt là do các em thực sự xuất sắc.

Yếu tố thứ ba, hầu hết các trường đại học hiện nay đào tạo theo tín chỉ, việc đánh giá học phần bao gồm đánh giá quá trình học tập và bài test cuối môn. Điểm đánh giá quá trình học tập thường rất cao nên kéo kết quả cuối cùng lên, điểm tổng kết cao hơn. Mặt khác, sinh viên cũng có nhiều cơ hội cải thiện điểm số nếu không như ý. Điều này khác với đào tạo theo niên chế trước đây, sinh viên chỉ thi một lần vào cuối năm và khó có cơ hội cải thiện điểm số.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cũng nhìn nhận, việc học theo tín chỉ và đánh giá theo thang điểm 4.0 hiện nay có lợi cho người học hơn học theo niên chế và đánh giá theo thang điểm 10 trước đây.

“Với thang điểm 4.0, sinh viên chỉ đạt từ 3,2 trở lên là xếp giỏi, trên 3,6 sẽ xếp loại xuất sắc. Còn nếu đánh giá theo niên chế (thang điểm 10) phải trên 8,0 thì mới được giỏi và trên 9,0 mới được tính là xuất sắc.

Tính theo thang điểm 4.0, sinh viên dễ đạt được mục tiêu hơn nếu quá trình học có sự phấn đấu. Việc này ít nhiều dẫn tới gia tăng số lượng sinh viên giỏi và xuất sắc, tuy nhiên không phải trường nào cũng như vậy” - ông Nhân nói.

Thông tin thêm, ông Nhân cho biết, trong quá trình đào tạo đã so sánh và thấy rằng: có những sinh viên (không phải là tất cả) nếu đánh giá theo thang điểm 10 thì chưa được 8.0, nhưng theo thang điểm 4.0 vẫn được trên 3.2 và xếp loại giỏi.

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ông Nhân cho hay, việc đánh giá được thực hiện rất sát sao và nghiêm khắc. Ở các ngành kỹ thuật công nghệ, tỷ lệ sinh viên phải học lại môn khá nhiều, số sinh viên đạt xuất sắc rất hiếm hoi. Có một số ngành học gần không bao giờ có sinh viên tốt nghiệp xuất sắc như Công nghệ nhiệt lạnh, Ô tô dù đầu vào là học sinh giỏi. Còn ở các ngành khác, nếu có, thì một khoá tốt nghiệp cũng chỉ có 1-2 sinh viên xuất sắc.

“Thậm chí, với nhiều ngành kỹ thuật công nghệ, sinh viên ra trường được đúng hạn đã là một khó khăn. Một số ngành chỉ có khoảng 30% sinh viên ra trường đúng hạn” - ông Nhân chia sẻ.

"Cho" loại giỏi để tạo cơ hội tìm việc là con dao hai lưỡi

Bên cạnh những lý do cơ bản trên, cán bộ quản lý ở các trường đại học còn nhìn nhận có những yếu tố khác nữa dẫn tới tình trạng rất nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc trong thời gian gần đây.

Theo trưởng phòng Đào tạo một trường đại học tại TP.HCM, cùng một ngành đào tạo, lĩnh vực mà trường này có số lượng sinh viên giỏi và xuất sắc nhiều còn trường khác lại ít không phụ thuộc vào thang điểm, mà do chưa đồng nhất trong quan điểm đánh giá.

“Thực tế, các chương trình đào tạo đều có chuẩn đầu ra cho từng học phần và cả chương trình. Các trường xây dựng ngân hàng đề thi cũng như đánh giá, ra đề đều dựa trên chuẩn này. Vấn đề ở đây là mức độ đề thi để đạt chuẩn của mỗi trường.

Do vậy, cùng một môn nhưng ở trường A đề thi khó hơn trường B, sẽ dẫn đến tỷ lệ sinh viên đạt thứ hạng cao của hai trường khác nhau. Đương nhiên cũng có một yếu tố khác là chất lượng sinh viên của trường đó nữa” - vị này nói.

anh man hinh 2024 04 19 luc 121251.png
Đồ hoạ: Lê Huyền

TS Thái Doãn Thanh cũng cho rằng, nếu một trường có đầu vào không cao nhưng tỷ lệ tốt nghiệp giỏi và xuất sắc nhiều thì cần xem xét cách thức và tiêu chí đánh giá.

"Hiện nay, mỗi chương trình, học phần đào tạo đều có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Trọng số đánh giá của học phần có khách quan hay không sẽ ảnh hưởng đến kết quả của sinh viên.

Ngoài ra, việc đánh giá kết quả học tập cũng phụ thuộc vào sự chủ quan của người đánh giá" - ông Thanh phân tích.

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường đại học cũng trên địa bàn TP.HCM lại thẳng thắn nhận xét: sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và tràn lan ở một số trường là do làm đẹp cho tuyển dụng, chứ không căn cứ trên năng lực thực sự.

Theo hiệu trưởng này, hiện nay quy chế tuyển dụng của các đơn vị đều ưu tiên sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc. Vì thế có tình trạng một số trường "nhẹ tay" làm đẹp hồ sơ cho sinh viên.

"Một số trường hiện nay muốn sinh viên tốt nghiệp xếp loại cao để tạo thêm ưu thế cho các em khi tìm việc, nhưng đây sẽ là con dao hai lưỡi. Bởi, nếu bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng thực sự sinh viên không giỏi, đơn vị tuyển dụng sẽ đánh giá không cao chất lượng đào tạo của trường. Đây là lý do cho hiện trạng nhiều cử nhân có năng lực không tương xứng với bằng cấp”.

PGS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng, không có quy định nào về tỉ lệ sinh viên giỏi, xuất sắc ở các trường đại học. Tuy nhiên, chắc chắn trường nào cũng kỳ vọng tỷ lệ này ở trường mình cao.
Lý do khác, theo ông Thắng, có thể đó là định hướng của nhà trường trong một giai đoạn nhất định. Nhưng về lâu dài, thị trường lao động sẽ đánh giá chất lượng nhân lực, buộc nhà trường phải tự điều chỉnh. Đặc biệt, khi tham gia vào bộ kiểm định quốc tế, các trường sẽ thấy ngay việc cần phải đánh giá hợp lý. Đồng thời, các trường phải minh chứng cách cho điểm của mình là phù hợp khi đối sánh với các cơ sở đào tạo khác trên thế giới.
"Thị trường lao động sẽ đánh giá rằng sinh viên tốt nghiệp trường/ngành này, với điểm số thế kia thì mặt bằng chung làm việc sẽ ra sao, chứ không quan trọng lắm về việc bằng tốt nghiệp xuất sắc hay giỏi. Người học cũng phải xem mình tốt nghiệp giỏi/xuất sắc nhưng đứng thứ mấy trong khóa - thứ 1, 2 hay top 5-10% sinh viên - để biết năng lực thực sự của mình" - ông Thắng lưu ý.


Thảm cảnh của Gen Z ở cường quốc số 1 thế giới: Nợ tín dụng ngập đầu, ra trường đi làm quần quật nhưng mãi không trả xong nợ sinh viên

Buồn của nền kinh tế thứ 4 thế giới: Thiếu lao động trẻ trầm trọng, sinh viên ra trường thích làm Youtuber hơn kỹ sư chế tạo, muốn nghỉ nhiều hơn làm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nhieu-sinh-vien-tot-nghiep-gioi-xuat-sac-truong-nhe-tay-cho-dep-ho-so-2272906.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhiều sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc: Trường 'nhẹ tay' cho đẹp hồ sơ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH