Thế giới

Nhiều trùm doanh nghiệp quay lưng, rạn nứt trong phe ủng hộ ông Trump

Thu Loan - Theo Washington Post 08/04/2025 - 12:45

Khi thế giới đang chao đảo vì cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon cảnh báo các cổ đông rằng các mức thuế quan sẽ “làm chậm tăng trưởng”.

Nhiều trùm doanh nghiệp quay lưng, rạn nứt trong phe ủng hộ ông Trump ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump đi trên bãi cỏ Nhà Trắng, ngày 6/4. (Ảnh: Washington Post)

Người dẫn chương trình podcast Ben Shapiro cảnh báo tầm nhìn của Tổng thống Trump về thương mại quốc tế là “sai lầm”, còn Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho rằng chiến lược áp thuế này mang “rủi ro to lớn”.

Chính sách thuế quan của ông Trump ngày càng khiến các ông trùm doanh nghiệp, những người có ảnh hưởng và thậm chí các nghị sĩ đảng Cộng hòa từng ủng hộ ông Trump mạnh mẽ cảm thấy xa cách, trong khi thị trường toàn cầu biến động khủng khiếp.

Theo các nhà phân tích, đây là dấu hiệu sớm cho thấy tình trạng hỗn loạn kinh tế từ cuộc chiến thương mại mà ông Trump gây ra có thể để lại những vết sẹo chính trị lâu dài cho nhà lãnh đạo Mỹ.

Những chỉ trích này cũng là thay đổi lớn so với những ngày đầu tiên ông Trump mới nhậm chức.

Trong khoảng 70 ngày đầu tiên, các lãnh đạo có ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực hầu như im lặng hoặc ủng hộ thận trọng Nhà Trắng khi ông Trump cắt giảm nhân viên liên bang, gây căng thẳng quan hệ với châu Âu và mạnh tay trấn áp nhập cư.

Tổng thống Trump dường như không bị dao động trước áp lực dư luận. Ngày 7/4, ông Trump tuyên bố sẽ không tạm dừng các mức thuế quan.

Sự rạn nứt trong lực lượng ủng hộ ông Trump thể hiện rõ nhất trong giới doanh nghiệp Mỹ. Các giám đốc điều hành từng ca ngợi chính sách của ông Trump nay phải vội vàng đánh giá lại tác động của thuế quan đối với danh mục đầu tư và chuỗi cung ứng của họ.

Dimon, người được xem là một trong những lãnh đạo có ảnh hưởng nhất Phố Wall, từng nói với CNBC hồi tháng 1, rằng các mức thuế là “vũ khí kinh tế có giá trị” và khuyên nên “vượt qua nó”.

Nhưng đến ngày 7/4, ông gửi đến các cổ đông để cảnh báo chính sách thuế quan của ông Trump sẽ dẫn đến “hệ quả lạm phát” cả ở hàng nhập khẩu lẫn giá cả trong nước.

“Các mức thuế gần đây có khả năng sẽ làm tăng lạm phát và khiến nhiều người nghĩ rằng xác suất suy thoái đang gia tăng”, ông viết.

Tỷ phú quản lý quỹ đầu cơ Bill Ackman, người đã ủng hộ ông Trump mạnh mẽ sau vụ ám sát hụt hồi tháng 7, viết trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 7/4 rằng việc tiếp tục áp các mức thuế mới chẳng khác nào phát động một “cuộc chiến tranh hạt nhân kinh tế”. Ông kêu gọi Nhà Trắng nên chậm lại và tạm dừng áp thuế.

“Đây không phải là điều chúng ta đã bỏ phiếu”, ông viết.

Cuối tuần trước, David Ricks - Giám đốc điều hành của hãng dược phẩm Eli Lilly, đưa ra đánh giá ảm đạm về tác động của thuế quan, dự báo rằng các công ty có thể sẽ phải cắt giảm nghiên cứu hoặc nhân sự.

“Đây là thay đổi trong chính sách của Mỹ, và có vẻ sẽ rất khó để quay trở lại từ đây”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC ngày 4/4.

Phát biểu này trái ngược hoàn toàn với sự lạc quan mà ông thể hiện vào cuối tháng 2, khi David Ricks cùng với Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và các quan chức cấp cao khác tuyên bố Eli Lilly sẽ đầu tư ít nhất 27 tỷ USD để mở rộng sản xuất tại Mỹ.

Một số CEO đã phá vỡ im lặng sau một thời gian đặt cược rằng chính quyền Trump sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Nhiều CEO trước đây ngại chỉ trích bất kỳ chính sách nào của ông Trump vì sợ sẽ mất vị trí trong đàm phán hoặc trở thành mục tiêu.

Tuần trước, các nhóm thương mại lớn, bao gồm Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia lên tiếng chỉ trích chính sách thương mại của ông Trump.

“Một hiệp hội thương mại lên tiếng chỉ là để thăm dò phản ứng”, một người vận động hành lang trong ngành cho biết.

Tỷ phú Elon Musk – giám đốc điều hành Tesla và cũng là một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump, cũng phản đối chiến lược này. Ông phát biểu tại một sự kiện cuối tuần qua rằng ông hy vọng sẽ thấy Bắc Mỹ và châu Âu đạt được đồng thuận về việc không áp thuế quan. Ông cũng chỉ trích Cố vấn thương mại Peter Navarro, người ủng hộ mạnh mẽ việc áp thuế.

“Có bằng tiến sĩ kinh tế từ Harvard là điều tồi tệ, không phải điều tốt. Dẫn đến vấn đề cái tôi lớn hơn bộ não”, ông Musk viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Ông cũng viết rằng việc ông Lutnick bảo vệ việc áp thuế với những hòn đảo không người ở là “buồn cười”, kèm theo biểu tượng mặt cười.

Nhiều người ủng hộ ông Trump trong giới doanh nghiệp vẫn im lặng khi thị trường chứng khoán giảm sâu. Nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen, Giám đốc điều hành Blackstone Stephen Schwarzman và các lãnh đạo doanh nghiệp từng ủng hộ ông Trump vẫn chưa bình luận gì về các mức thuế, dù trước đó họ từng tán dương chính sách kinh tế của nhà lãnh đạo Mỹ.

Phải suy nghĩ lại

Trong suốt chiến dịch tranh cử và những tuần đầu nhiệm kỳ, một nhóm podcaster và người ảnh hưởng trên mạng đã giúp đưa ông Trump đến với hàng triệu người theo dõi. Nhưng trong những ngày gần đây, một số người trong số họ quay sang chỉ trích.

Shapiro, người ban đầu ủng hộ Thống đốc Florida Ron DeSantis trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa trước khi chuyển sang ủng hộ ông Trump, gần đây dành phần lớn các tập podcast của mình để chỉ ra những sai lầm trong chính sách thuế quan của ông Trump.

“Tầm nhìn của tổng thống về thương mại quốc tế, tôi rất tiếc phải nói, là sai lầm. Đây là một đợt tăng thuế lớn đối với người tiêu dùng Mỹ. Đó chính là điều nó đang gây ra. Và nó được thiết kế như vậy”, ông Shapiro nói trong chương trình “The Ben Shapiro Show” tuần này.

Shapiro cho rằng chính sách này “có lẽ là vi hiến… một trong những đợt tăng thuế lớn nhất trong lịch sử đối với người tiêu dùng”, được xây dựng dựa trên “một ý tưởng tồi về cách thương mại quốc tế hoạt động”.

Ngoài vấn đề thuế quan, Joe Rogan, người dẫn chương trình podcast có ảnh hưởng đã ủng hộ ông Trump trước ngày bầu cử, cho rằng việc chính quyền Trump vô tình trục xuất người nhập cư hợp pháp là “kinh khủng”.

“Những người không phải tội phạm vẫn bị gom lại và trục xuất rồi đưa đến những nhà tù ở El Salvador”, Rogan nói trong một tập podcast gần đây.

Ông đề cập đến Andry José Hernández Romero, một nghệ sĩ trang điểm người Venezuela bị trục xuất đến El Salvador sau khi chính quyền Trump xác định anh ta là thành viên băng đảng Tren de Aragua thông qua hình xăm, dù gia đình anh nói anh nói không liên quan gì đến băng đảng.

Rogan trước đó cũng chỉ trích việc ông Trump tấn công Canada. “Thật nực cười. Tôi không thể tin rằng lại đang có tư tưởng chống Mỹ và chống Canada. Tôi nghĩ thật vô lý… và tôi không nghĩ họ nên là bang thứ 51 của chúng ta”, Rogan nói.

Các thượng nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có cả những người ủng hộ và chỉ trích ông Trump, ngày càng lo ngại về các mức thuế mà ông Trump công bố khi thị trường chứng khoán lao dốc.

“Người dân sẽ hoảng loạn nếu điều này tiếp tục, và họ đang hơi hoảng loạn”, Thượng nghị sĩ Kevin Cramer nói về tâm trạng của các thượng nghị sĩ Cộng hòa.

Tuy nhiên, ông cho rằng lo ngại về thuế quan vẫn chưa khiến những người ủng hộ Trump quay lưng với ông.

Nếu các mức thuế “bắt đầu gây tổn thương cho cá nhân và họ bắt đầu cảm thấy điều đó một cách đáng kể, ngay cả những người ủng hộ ông Trump mạnh mẽ nhất cũng có thể phải suy nghĩ lại. Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn đó”, Cramer nói.

>> Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố không hoãn áp thuế trong 90 ngày

Điều khiến Trung Quốc ‘chơi rắn’ với đòn thuế quan của Tổng thống Mỹ Trump

Chứng khoán quốc gia Đông Nam Á lao dốc, đối mặt 'khủng hoảng' thuế quan toàn cầu

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/nhieu-trum-doanh-nghiep-quay-lung-ran-nut-trong-phe-ung-ho-ong-trump-post1731852.tpo
Bài liên quan
  • Ông Donald Trump và canh bạc thuế quan khiến thế giới chao đảo
    Thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt lao dốc, tâm lý bi quan lan rộng sau chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ Phố Wall đến châu Á, châu Âu, nhà đầu tư bán mạnh tài sản.
  • Từng là lực lượng nòng cốt đưa ông Trump tái đắc cử, nông dân Mỹ giờ đây lao đao vì thuế quan
    Với việc tất cả các đối tác thương mại đều trở thành mục tiêu của chính sách thuế quan đối ứng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, những người nông dân “đầy lo âu” sẽ càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm thị trường mới.
  • Dự đoán hệ quả cắt giảm thuế quan với Mỹ
    Việc đàm phán cắt giảm thuế quan với Mỹ mang lại cơ hội lớn về tăng trưởng và hiện đại hóa, nhưng cũng đặt ra những thách thức đáng kể. Thành công của quá trình này không chỉ nằm ở việc mở rộng thị trường mà còn phụ thuộc vào cách mỗi quốc gia phân phối lợi ích, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và đảm bảo chủ quyền kinh tế trong dài hạn.
  • Trung Quốc trả đũa thuế quan, nông sản Mỹ đi đâu về đâu?
    Đầu năm nay, hầu hết nông dân Mỹ hy vọng hòa vốn hoặc ghi nhận một khoản lợi nhuận nhỏ nếu họ có thể hạn chế chi phí sản xuất cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa thuế quan của Tổng thống Donald Trump, nông dân Mỹ lo lắng mất đi thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất.
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhiều trùm doanh nghiệp quay lưng, rạn nứt trong phe ủng hộ ông Trump
    POWERED BY ONECMS & INTECH