Nhìn lại thị trường bất động sản tháng 8: Khởi công siêu sân bay Long Thành, Novaland (NVL) đón tin vui mới
Những thông tin bất động sản trong tháng 8/2023 đã trở thành điểm sáng của thị trường, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp…
Nguồn: Reatimes.vn
Khởi công sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất
Chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành và hai địa phương TP.HCM, Đồng Nai đã bấm nút đồng loạt khởi công ba gói thầu quan trọng tại hai cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành và Tân Sơn Nhất .
Trong đó có gói thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách CHKQT Long Thành (giai đoạn 1) và nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.
Theo đó, gói thầu tại nhà ga hành khách CHKQT Long Thành có giá trị lên đến hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thi công là 39 tháng.
Tại sân bay Long Thành, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay của giai đoạn 1 có giá trị hơn 7.300 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng 23 tháng. Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, rộng 45m. Hệ thống hai đường lăn song song, sáu đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3ha. Bốn sân đỗ máy bay và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4ha.
Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất gồm ba hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng.
Trong đó, gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga T3 là hạng mục quan trọng nhất, tổng mức đầu tư gần 9.300 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng và sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành thử vào đầu quý 2/2025.
Hà Nội thông xe cầu Vĩnh Tuy 2
Sáng ngày 30/8, UBND TP Hà Nội đã chính thức thông xe, đưa vào lưu thông cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (cầu Vĩnh Tuy 2)  bắc qua sông Hồng.
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng theo quy hoạch nhằm hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2 của TP Hà Nội, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nằm phía hạ lưu sông Hồng, song song cầu giai đoạn 1, với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 3.473m. Điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và đường Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên - Thạch Bàn, đường Cổ Linh.
Mặt cắt ngang cầu là 19,25m (4 làn xe). Chiều cao tĩnh không là 11m, khẩu độ thông thuyền lớn hơn 85m. Cầu được khởi công xây dựng từ tháng 1/2021.
Novaland (NVL) đón tin vui mới từ dự án “sống còn” Aqua City
Ngày 17/8, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận cho 4 căn nhà ở thấp tầng thuộc khu I dự án Aqua City,  xã Long Hưng, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai
Theo văn bản của Sở Xây dựng, bốn căn nhà ở được cấp phép lần này bao gồm 3 căn nhà phố liên kế thuộc các ô đất T11-4.23; T11-5.12; T11-6.14; và 1 căn biệt thự thuộc ô GV1-2.06.
Trong đó, hai căn tại ô đất T11-4.23 và T11-5.12 có cùng tổng diện tích sử dụng đất là 160 m2 và diện tích xây dựng là 261.1 m2. Căn ở ô T11-6.14 cũng có tổng diện tích sử dụng đất 160 m2 nhưng diện tích sàn xây dựng cao hơn hai căn vừa đề cập với 263.7 m2. Đặc biệt, căn biệt thự tại ô GV1-2.06 có tổng diện tích sử dụng đất đến 240 m2 và diện tích xây dựng đến 301.7 m2.
Được biết, đô thị sinh thái thông minh Aqua City có quy mô 1.000ha, tọa lạc tại phía Đông TP.HCM do Công ty TNHH Thành phố Aqua (Công ty con của Novaland - NVL) làm chủ đầu tư.
Đáng lưu ý, Aqua City từng được Chủ tịch Bùi Thành Nhơn cho biết: "Đây là dự án sống còn của Novaland trong thời điểm hiện nay, nếu dự án này được tháo gỡ sẽ là đầu mối tháo gỡ toàn bộ các khó khăn của Novaland để doanh nghiệp hoàn thiện dự án, thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu, ngân hàng...".
Hà Nội: Dự án "khủng" hơn 5.700 căn xin chuyển đổi thành nhà ở xã hội
UBND TP Hà Nội mới đây có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về việc điều chỉnh toàn bộ dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội, tái định cư và thương mại Him Lam Phúc L ợi sang xây dựng nhà ở xã hội.
Theo đó, việc chuyển đổi này là đề nghị của chính chủ đầu tư là CTCP Him Lam và trước khi ra quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Hà Nội phải xin ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Xây dựng.
Khu nhà ở xã hội, tái định cư và thương mại Him Lam Phúc Lợi thuộc phường Phúc Lợi, quận Long Biên đã được UBND quận Long Biên phê duyệt Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 năm 2016 và UBND TP Hà Nội Quyết định chủ trương đầu tư năm 2018.
Quy mô đầu tư của dự án khoảng 134.418m2 đất, với tổng số 5.724 căn hộ chung cư. Trong đó, có 1.944 căn hộ nhà ở xã hội, 504 căn nhà tái định cư theo đơn đặt hàng nhà ở thương mại của thành phố và khoảng 3.276 căn hộ nhà ở thương mại. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 7.002 tỷ đồng, tiến độ thực hiện 19 tháng từ tháng 5/2018 đến tháng 11/2019.
Hiện CTCP Him Lam đã có hồ sơ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để chuyển toàn bộ dự án đầu tư sang xây dựng nhà ở xã hội.
Thông tư 06 sẽ ảnh hưởng như nào đến nhu cầu mua nhà của người tiêu dùng?
Từ 1/9, việc cho vay để trả trước hạn khoản vay cũ tại ngân hàng khác không còn bị giới hạn trong phạm vi phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn áp dụng với cả người vay phục vụ đời sống (trong đó có vay mua nhà, mua xe).
Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông tư 06 do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay, với nhiều điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Theo đó, các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, mua ô tô.
Như vậy, với quy định mới, khách hàng có thể chuyển khoản vay mua nhà từ ngân hàng này sang ngân hàng khác (có lãi suất thấp, nhiều ưu đãi) một cách dễ dàng và có lợi hơn. Khách hàng cũng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.
Với việc thông tư 06 sửa đổi được áp dụng từ ngày 1/9 tới đây thì khách hàng có nhu cầu vay như mua nhà, mua xe… sẽ có quyền lợi tốt hơn rất nhiều, họ sẽ có nhiều lựa chọn vay ở các tổ chức tín dụng khác nhau, bên nào chính sách tốt hơn thì khách hàng hoàn toàn của thể thay đổi khoản vay sang bên đó rất linh hoạt. Và đương nhiên, khi tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng, ưu đãi cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu vay nhiều hơn.
Đặc biệt, việc xây dựng hành lang pháp lý về luật cởi mở giúp người vay mua nhà tiếp cận nguồn vốn vay ở các tổ chức tín dụng dễ dàng, linh hoạt; tôi cho rằng nhu cầu vay mua nhà thời gian tới sẽ có xu hướng tăng dần lên.
Đương nhiên khi nhu cầu mua nhà tăng cao cũng sẽ đẩy giá bán nhà tăng lên, nhưng tôi đánh giá việc tăng giá sẽ không mạnh mẽ, người vay tiền mua nhà đều là người có nhu cầu tiêu dùng thật nên giá nhà khó tăng mạnh mà sẽ giao dịch ở mức giá hợp lý trong bối cảnh kinh tế như hiện nay.
TP.HCM trình Thủ tướng đề án xây dựng ‘siêu cảng’ Cần Giờ gần 5,5 tỷ USD
Theo đề án, cảng Cần Giờ  có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.
Tổng mức đầu tư 'siêu cảng' này ước tính gần 129.000 tỷ đồng (tương đương gần 5,5 tỷ USD) do Tập đoàn MSC - hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư theo 7 giai đoạn (giai đoạn cuối đến năm 2047).
Vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến xây dựng tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, với tổng chiều dài cầu cảng chính khoảng 7km, bến sà lan khoảng 2km.
Tổng diện tích ước tính khoảng 571ha, trong đó có cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật....
Thừa Thiên Huế sắp có thành phố văn hóa và du lịch thông minh 14,8 triệu Đô La
Dự án “Xây dựng thành phố Huế văn hóa và du lịch thông minh ” có tổng mức đầu tư 14,8 triệu USD, trong đó nguồn vốn tài trợ của KOICA 13 triệu USD, ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế đối ứng 1,8 triệu USD, được thực hiện 5 năm 2021-2025.
Quy mô Dự án gồm 05 hợp phần:
- Hợp phần 1: Thiết lập trục văn hóa du lịch thông minh thành phố Huế;
- Hợp phần 2: Dự án thí điểm của trục văn hóa du lịch thông minh, cụ thể là Khu văn hóa phức hợp cồn Dã Viên;
- Hợp phần 3: Hệ thống chiếu sáng thông minh và camera giám sát dọc sông Hương;
- Hợp phần 4: Xây dựng năng lực hành chính công trong phát triển du lịch và quản lý đô thị;
- Hợp phần 5: Quản lý dự án.
Quy mô dự án gồm các hợp phần thiết lập trục văn hóa du lịch thông minh thành phố Huế; dự án thí điểm của trục văn hóa du lịch thông minh, cụ thể là Khu văn hóa phức hợp cồn Dã Viên; lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh và camera giám sát dọc sông Hương; xây dựng năng lực hành chính công trong phát triển du lịch và quản lý đô thị và quản lý dự án.
Dòng sông lớn thứ 12 châu Á ‘cõng’ 9 cây cầu khi chảy qua địa bàn Hà Nội 
Hàng loạt cán bộ vi phạm liên quan đến cây cầu từng giữ kỷ rộng nhất Việt Nam trong 5 năm