Nhóm dầu khí 'phản ứng' với dự án Lô B - Ô Môn, một doanh nghiệp có thể lãi gấp 16 lần
Dự án Lô B - Ô Môn (tổng giá trị gần 12 tỷ USD) cung cấp khối lượng công việc và nguồn lợi lớn cho nhiều doanh nghiệp dầu khí ở cả thượng, trung và hạ nguồn trong vài năm tới.
Như đã thông tin trong bài viết "Chuyển động mới tại dự án Lô B - Ô Môn gần 12 tỷ USD sau một năm ", tại báo cáo cập nhật mới đây, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) điểm tên loạt doanh nghiệp dầu khí và phụ trợ có câu chuyện kinh doanh kỳ vọng nhờ hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn có tổng giá trị gần 12 tỷ USD.
ABS đánh giá, dự án Lô B - Ô Môn là dự án lớn nhất ngành dầu khí Việt Nam từ trước tới nay đồng thời cũng là câu chuyện lớn của ngành năng lượng. Dự án đang được thúc đẩy triển khai với nhiều tín hiệu tích cực, dự kiến cung cấp một khối lượng công việc khổng lồ cho các doanh nghiệp trong ngành đến năm 2025.
Vị trí Lô B - Ô Môn |
Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi
Ở hoạt động thi công EPCI: Chứng khán An Bình cho rằng, PVS là doanh nghiệp hưởng lợi đầu tiên từ dự án này với vai trò tổng thầu EPCI. Hiện nay, PVS và công ty con là PTSC M&C đều tham gia cả 3 gói thầu đầu tiên là EPCI 1, 2 và 3 với giá trị trúng thầu lên tới 1,2 tỷ USD với các phần việc như: Thiết kế xây lắp 1 giàn trung tâm, giàn nhà ở, giàn thu gom/giàn đầu giếng, đường ống dẫn khí đốt trên bờ dài 102km…
Ngoài ra, với vai trò nhà thầu phụ, PXS  dự kiến cũng sẽ được hưởng lợi.
Ở hoạt động khoan/dịch vụ kỹ thuật giếng khoan: PVD là gương mặt đáng chú ý nhất. Nếu Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) diễn ra đúng kế hoạch trong năm 2024, PVD dự kiến sẽ tham gia phần việc khoan các giếng khai thác cho dự án này từ năm 2025 với khoảng 750 giếng khoan. Điều này cung cấp khối lượng công việc rất lớn cho PVD.
Bên cạnh PVD, PVC  cũng sẽ hưởng lợi khi cung cấp dung dịch khoan cho dự án.
Với hoạt động bọc ống, Chứng khoán ABS đánh giá, PVB và CTCP Sản xuất Ống thép Dầu khí – PV PIPE (một công ty thành viên của PV GAS) sẽ là hai đơn vị được hưởng lợi. Hoạt động này dự kiến mang về doanh thu khoảng 4.000 tỷ đồng.
Ở sân chơi phân phối khí, GAS dự kiến hưởng lợi từ năm 2027 khi tham gia vào quá trình khai thác, vận chuyển, phân phối khí cho các nhà máy điện (hạ nguồn). Hoạt động này dự kiến mang lại doanh thu gần 10.000 tỷ đồng/năm cho PV GAS.
Nguồn: Fiinpro, Investing.com, ABS Research |
Triển vọng kinh doanh khả quan năm 2024
Nhìn vào kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024, doanh thu nhóm dầu khí đạt được là 29.438 tỷ đồng - tăng 9,3% so với cùng kỳ (YoY). Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại giảm 16,5% về 2.992 tỷ. GAS với việc chiếm 84% cơ cấu lợi nhuận nhóm ghi nhận mức giảm lợi nhuận 25% so với cùng kỳ.
Ngược lại, một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực hơn có thể kể đến PVD lãi 158 tỷ đồng (+139% YoY) khi các giàn khoan đều có việc làm và đơn giá cho thuê giàn cũng như hiệu suất giàn tăng; PVS lãi 301 tỷ đồng (+40% YoY); PVB lãi 21 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7 tỷ đồng) nhờ sự đóng góp từ các dự án Đại Hùng pha 3 và Kinh Ngư Trắng.
Trên thị trường chứng khoán, tính từ đầu năm, thống kê từ ABS cho thấy diễn biến giá các cổ phiếu dầu khí hưởng lợi từ dự án Lô B đa phần tốt hơn diễn biến giá dầu (ngoại trừ PXS). Một số cổ phiếu có diễn biến tích cực hơn VN-Index gồm PVB  (+47%), PVS  (+17%)...
Từ triển vọng trên, Chứng khoán An Bình kỳ vọng doanh thu của 5 doanh nghiệp dầu khí đạt mức tăng trưởng 10-26% trong năm 2024 (ngoài trừ PVC có thể giảm 8,3%). Mức tăng lợi nhuận sau thuế dự kiến lần lượt là 3% đối với GAS , 7% đối với PVD và PVS, 58,6% đối với PVC và 1.490% đối với PVB.
Nguồn: ABS Research |
>> Gemadept (GMD) nói gì khi cổ đông đề xuất thưởng cổ phiếu tỷ lệ 100%? 
'Lộ trình' hưởng lợi của cổ phiếu dầu khí từ siêu dự án Lô B – Ô Môn 
Chuyển động mới tại dự án Lô B - Ô Môn gần 12 tỷ USD sau một năm