Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Em là đứa trẻ bất hạnh, chế tìm em muốn hết cuộc đời chế rồi, An ơi!’
Cả cuộc đời được có mấy lần 20 năm, vậy mà hai người chị em ruột ấy đã thất lạc nhau những 2 lần, tìm nhau mất cả cuộc đời.
Câu chuyện của một gia đình người Hoa gần một một thế kỷ dưới những tán rừng U Minh phải một bộ phim mới có thể truyền tải hết. Nhưng trong dòng lịch sử dữ dội ấy, có cả hai lần ly tán với đứa con trai duy nhất của gia đình, tổng cộng đã dài hơn 50 năm.
Làm thế nào để người con trai ấy biết tới lịch sử thăng trầm của gia đình mình và có thể cảm nhận được tình thương của người cha và người chị, những người chỉ sống cùng anh ấy trong khoảng 2-3 năm ngắn ngủi? Làm thế nào để anh ấy có thể trở về với người thân trọn vẹn nhất và tiếp nhận tình thân trong những năm còn lại của cuộc đời?
Nhân vật chính kỳ này của Như chưa hề có cuộc chia ly  số 180 là bà Phạm Thị Mỹ Não, đăng ký chương trình tìm lại người em thất lạc hơn 30 năm của mình là ông Phạm Hữu An. Họ đã lạc nhau những hai lần. Trong ngày đoàn tụ, bà òa khóc, mắng em trai mình là “hư” vì biết nhà mà không chịu về.
“Nếu nói không giận em thì là nói dối, nhưng tình thương nhiều hơn sự giận hờn”
Ông nội bà Mỹ Não, cụ Phạm Hữu Thường, là người Hoa đời thứ 5, sang Việt Nam ngụ tại Vĩnh Long làm nghề nho y. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, Việt Nam có phong trào Việt Minh chống Pháp, người con đầu của cụ theo Việt Minh bị Pháp giết chết, người con thứ 2, Phạm Hữu Tình cũng xin đi theo Việt Minh. Biết không thể yên trước sự hung hãn của Pháp, cụ Thường đã dẫn người con trai út tuổi thiếu niên Phạm Hữu Nghĩa ra ghe, treo bảng Tình Nghĩa Đường và dong ghe xuôi xuống rừng U Minh.
Sau này, ông Nghĩa đã hẹn với các con, từ nay nếu có xa nhau, đi đâu mà thấy biển hiệu Tình Nghĩa Đường thì biết mà nhận nhau. Nhờ thế mà gần 20 chục năm sau, mấy chị em nhà bà Mỹ Não mới gặp lại nhau, cùng lập nên một hội từ thiện nho nhỏ. Sau ngày thống nhất, mấy anh em cũng đã tìm lại được nhau nhờ biển hiệu Tình Nghĩa Đường trong một con hẻm ở Sài Gòn.
“Ông nội có ghi lại trong nhật ký, trên đất nước Việt Nam nơi nào cũng có dấu chân của giặc Pháp. Ông cứ đi lang bạt cho tới khi ông tìm được nơi là ‘đất lành chim đậu’”, bà Mỹ Não kể lại.
Người Hoa ở vùng U Minh thích được gả con cho nhau. Đến lúc này, người con út của cụ Thường đã lớn, được hai bên gia đình se duyên với bà Huỳnh Kim Quyền, chính là mẹ của bà Mỹ Não, sống ở xã Nguyễn Phích, lâu đời ở vùng này. Sau này, cụ Thường mất năm 1955, gia đình thông gia còn đặt mộ của cụ trong đất hương hỏa của ông sui, bà sui.
Ông Phạm Hữu Nghĩa lấy vợ sinh hai con gái liền nhau, người con thứ 2 là bà Mỹ Não. Ông Nghĩa nối nghiệp cha làm thầy Đông Y, sống trên ghe Tình Nghĩa Đường. Năm 1959, ngôi nhà nhỏ mấy mét vuông dựng tạm trên bờ bị lính VNCH đốt, ông Nghĩa lại dẫn vợ con lênh đênh trên mặt nước.
Trong đoạn đời trôi nổi này, ông Nghĩa - bà Quyền mất hai đứa con từ lúc sơ sinh. Tới năm 1962, ông bà tác ghe vào bờ Rạch Rập, Cà Mau, mượn được căn nhà nhỏ đối diện với chợ qua con rạch lớn. Đây là nơi đứa con trai duy nhất Phạm Hữu An được sinh ra.
An chính là đứa em mà chị Mỹ Não đau xót đi tìm, người không chỉ biệt tích một lần 20 năm, mà còn đang biệt tích tới lúc này, một đoạn đời 32 năm nữa. Tính thời gian An được sống với gia đình ruột thịt, chỉ vỏn vẹn có 2, 3 năm trong tổng số 60 năm cuộc đời. Bà Quyền sinh con trai đều không nuôi được, nên khi An ra đời, ông ngoại đem về quê Nguyễn Phích nuôi dùm mấy năm.
Năm lên 4, An được gửi về Rạch Rập vì trong này bom đạn quá nhiều. Sống với mẹ và các chị, An được đưa đi học mẫu giáo, hàng ngày được hai chế Mỹ Nhu và Mỹ Não dẫn đi. Đã xảy ra một sự kiện kinh hoàng với mấy đứa trẻ ở ngay bờ kênh mà gia đình đậu ghe ở tạm, khiến chị Mỹ Não đã dặn An ‘chiều em đi học về thì cứ đi đi, ra bến xe ở tạm, ba về chị nói ba đi đón em’. Ngày ba đi chữa bệnh làm thuốc cho người về, đi tìm ngang dọc hàng tháng trời không tìm lại được An.
Một năm sau, ba má chia tay, má về nhà ngoại. Không bao lâu, cha đau lòng đem theo mấy người con gái lên ghe xuôi về phía Nam. 20 năm sau, anh An đã tìm về, đầu tiên tìm về Rạch Rập, sau đó được mách về Năm Căn, tìm thấy tiệm Tình Nghĩa Đường ở bên chợ Cả Nẩy. Ông Phạm Hữu Nghĩa đã ngã ngất khi nhận ra con. Đó là ngày hạnh phúc nhất của ông, cũng là của chị Mỹ Não, người chị ba đã vì thương em bị roi đòn khuyên em lánh đi để rồi mất tích.
An kể đã lưu lạc tới Sóc Trăng, đã có vợ và một con gái 5 tuổi mà ông nội thương yêu cháu như để bù lại cho đứa trẻ 5 tuổi bị mất tích khi đó. Ông đặt tên cho cháu gái là Phạm Ngọc Tâm với tên đệm là Ngọc, nâng cháu lên một bậc trong luật đặt tên của dòng họ người Hoa này.
Năm 1991, gia đình vô cùng khó khăn, bệnh huyết áp của cha được xem là bệnh nan y. Bà Mỹ Não phải vừa chụp ảnh vừa làm may ở chợ Cả Nẩy.
Cha mua vuông đất làm nhà, chị ba thì hướng dẫn vợ chồng em trai làm kem chuối đi bán. Cha cũng muốn truyền nghề Đông Y cho vợ chồng An, nhưng có vẻ đã không kịp.
“Lúc em về không muốn để cho nó biết cảnh khó khăn của gia đình, cứ lo mua nhà rồi lo cho vợ chồng nó, sợ nó mới về mà lại thấy gia đình khổ quá rồi lại suy nghĩ nên có gì khó tôi tự lo hết”, bà Mỹ Não tâm sự.
Chỉ một năm sau, ông An bất ngờ và bí mật đưa vợ và con gái đi mất. Cha bệnh nặng, dặn bà Mỹ Não có điều kiện thì đi tìm em. Một năm sau thì ông mất.
“Lúc cha đi rồi thì tôi mới lấy chồng, lúc đó cũng 36 tuổi rồi, tại tôi rất cần một chỗ dựa tinh thần”, bà Mỹ Não kể.
Thời gian trôi qua, tới nay bà Mỹ Não đã có một gia đình ổn định. Bà cùng chồng mở một công ty quảng cáo, một nghề nghiệp rất hiện đại vào lúc đó ở Cà Mau, tới nay đã gần 30 năm. Bà cũng lập nên một hội “Chung sức Cà Mau”, gây quỹ để xây những cây cầu tình thương, giúp đỡ bà con sinh hoạt và trẻ em có thể đến trường.
Bà Mỹ Não nói mình không ngờ tới sẽ có lần chia ly thứ 2 với em An: “Nếu nói không giận em thì là nói dối, nhưng tình thương nhiều hơn sự giận hờn nên mình không muốn nhắc tới cái lỗi lầm của em, chỉ mong em trở về thôi.
Nó lớn lên với mình từ nhỏ, mà lần đầu nó lạc đi là do mình tác động. Tới lúc nó về thì mình không thể nói với nó hoàn cảnh cha bệnh, phải cấp cứu thường xuyên hay hoàn cảnh khó khăn như thế nào, vậy nên nó làm sao hiểu được, làm sao giận nó được”.
Cả cuộc đời ám ảnh bản thân là con nuôi và nỗi mặc cảm vì “không có tiền”
Như chưa hề có cuộc chia ly đã dụng nhiều công sức đi tìm ông An ở các tỉnh miền Tây nhưng không thấy. Sau đó, chương trình bỗng nhận được một tin nhắn báo có một người đàn ông giống ông An, hiện đang sinh sống ở Phú Quốc.
32 năm trước sau khi rời Năm Căn trốn cha và chị ra đi, ông An đưa vợ và người con gái duy nhất tên Tâm hướng về U Minh Thượng rồi đi khắp nơi sinh sống. Tới năm 2016, ông tới đảo Phú Quốc tìm việc trong lúc vợ ở đất liền chữa bệnh tiểu đường, rồi không may bị vết thương nhỏ ở bàn chân làm độc. Bà Thu, vợ ông An, đã mất năm 2020.
“Tôi đi chừng 6 tháng là biết cha mất. Tôi biết ổng bệnh nhưng không nghĩ ổng đi nhanh vậy. Sau này tôi cứ nghĩ trong tâm mình thôi, là kiếm được tiền thì về ra mả thắp cho ông nén hương. Không phải tôi giận hờn hay gì đâu, tại vì nghĩ chẳng có tiền bạc gì nên không muốn về…
Giờ thì già cả hết rồi, cùng lắm chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng, tới lúc ốm đau bệnh tật thì biết mà hỏi thăm nhau”, ông An tâm sự lý do mà ông chưa muốn về lại chốn quê tìm gia đình mình.
“Cha của chị có cái tính tự ái cao nên mới bỏ gia đình đi, tại vì ổng thấy ổng tự làm được, tự lo cho gia đình của mình được nên mới không muốn nhờ vả vào gia đình cha và chị”, chị Tâm, con gái ông An, xúc động chia sẻ thay cho nỗi lòng của cha.
Ông An vẫn nhớ như in lần ngã sông được chế ba Mỹ Não cứu lên, sau đó vô tình lại trở thành lý do khiến mình bị thất lạc lúc mới có 5 tuổi: “Tôi nhớ hồi đó đi chơi trốn tìm hay sao đó thì bị té xuống sông. Tôi cũng nhớ chị nào vớt tôi nữa. Lúc đó lên tôi sợ bị đòn lắm, tại mình làm sai mà, nên mới trốn đi rồi bị lưu lạc đó. Mỗi lần làm sai sợ bị đòn là tôi trốn, trốn tới độ bị lạc luôn”.
20 năm, khi An đột ngột xuất hiện trước cửa Tình Nghĩa Đường ở Năm Căn, bà Mỹ Não mới xác nhận đây đúng là em trai của mình nhờ nốt ruồi ở sau lưng và một vết sẹo sau tai giống hệt của bà, chỉ khác bên, đều là do cùng một trận đòn roi của mẹ ruột.
Ông An đã ở với gia đình chỉ vài ba năm, ông không biết rằng mẹ ruột của ông chỉ có đủ tình yêu thương cho người con đầu của bà là chế Mỹ Nhu thôi, dù rằng với họ hàng, làng xóm, bà là người rất hòa đồng.
Từ lúc bỏ nhà đi lúc 5 tuổi, An đã đi lang thang khắp nơi, vài ngày nơi bùng binh, nhà chùa cho đến khi gặp được một bà bán mắm khô người Sóc Trăng, thấy thương nên đem về nhà, rồi cho ông Năm Cà sát bên. Có đói, có khổ nhưng ông cảm nhận được sự ấm áp của người cha nuôi. Sau này, lấy vợ ngay ấp đối diện bên sông, chỉ làm nông nghiệp để sống. Tới lúc cha nuôi mất, ông mới quyết định tìm về gia đình.
Suốt 20 năm đó, ông An vẫn ám ảnh, mình là con nuôi: “Tới giờ tôi vẫn không nghĩ đó là mẹ ruột tôi đâu…
Nói chứ, nếu hỏi ông già thì ổng bệnh hoạn như thế, nói ra mấy câu nói làm ổng bệnh thêm rồi mấy chế lại buồn”.
Ông An kể về nỗi lo và cái chí tự làm ăn bươn chải của mình: “Phải chi mình sống cùng nhau một nhà từ nhỏ, có gì chị em cởi mở kể ra với nhau, còn cái này… mình đâu có sống với chị em, gia đình ngày nào đâu”.
Trong phần đời sau này, ông An cùng vợ con đi tứ xứ, nhiều lần ghé ngang Cà Mau nhưng không dám về. Ông ra Phú Quốc từ năm 2016 cùng với hai người anh em bên vợ.
Thực lòng, ông An vẫn mong ngóng các chế đi tìm mình. Ông đâu biết, cha ông đã mất đi rồi, ông mang theo cả địa chỉ gia đình chị Thu ở Sóc Trăng. Mãi cách đây 3 năm, anh chị ba mới lần đến được nơi thì cũng đâu thể biết anh ở nơi nào.
Như chưa hề có cuộc chia ly đưa tấm ảnh từ 32 năm trước, ngày ông trở về, đứng trước tiệm thuốc Tình Nghĩa Đường rồi kêu “ba”.
“Tôi lúc nào cũng nghĩ là khi nào có tiền sẽ về thăm ổng, nhưng sẽ không ở. Mấy năm nay, thấy anh em người ta xôm tụ, vui vẻ hay lúc ốm đau có người thăm nom thì nghĩ cũng tủi thân. Nhưng nghĩ tới cha mình, ổng ốm đau lại không có con cái trông nom, mình là thằng con trai nhẽ ra phải kề cận bên ổng, làm tròn nhiệm vụ của một người con.
Cha tôi mất tôi có tội lắm, nói thật, nhưng vì hoàn cảnh thì tôi cũng không biết phải nói sao bây giờ…”, ông An nghẹn ngào kể về nỗi ân hận khi không thể bên cạnh cha những phút cuối đời.
Khoảnh khắc trùng phùng, chế Mỹ Não ôm chầm lấy người em trai và người cháu gái mà cả đời chỉ gặp nhau trong thời gian ngắn ngủi.
“Em hư lắm em có biết không…”, bà Mỹ Não òa khóc.
Ông An cũng trút nỗi lòng: "Em không có buồn mấy chế cái gì hết. Nhưng mà mặc cảm đủ điều, sợ người ta nói em bỏ đi, em làm gì nên cha mới mất.
Lúc đó khổ, em cần tình thương của gia đình. Hồi đó em hiểu lầm chị, hiểu lầm cha. Chứ em biết cha nghèo như vậy em không đi đâu. Em ở trong nhà để cha, chế lo cho em bữa ăn là được rồi".
Bà Mỹ Não ôm em thì thầm: "Cha má tha thứ cho em hết. Trước lúc ra đi cha má có dặn là ráng tìm cho được em và nếu có điều kiện như thế nào cố gắng dìu dắt em.
Em là đứa nhỏ bất hạnh, không có gì đáng để buồn hết á. Bằng tất cả tình thương, chế tìm em suốt mấy mươi năm. Cả cuộc đời chế tìm em muốn hết cuộc đời chế rồi. An ơi!".
Tháng 8/2024, Như chưa hề có cuộc chia ly đã có:
- 12 cuộc tìm ra.
- 699 đầu thông tin mới được xử lý.
- 122 hồ sơ tìm kiếm mới được thiết lập.
>> Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Mẹ ơi, con đã tìm được các em rồi, mẹ yên lòng nhé!’ (P2) 
Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Mẹ ơi, con đã tìm được các em rồi, mẹ yên lòng nhé!’ (P1) 
Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Không dám thờ tại nhỡ đâu con còn sống, tội nghiệp nó…’