Nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời vẫn phải đối mặt với khó khăn như bất cập liên quan biểu giá điện hỗ trợ, vướng mắc về chính sách…
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện, điện sóng biển, thủy triều, điện sinh khối, địa nhiệt… được biết đến là các nguồn năng lượng sạch. Sử dụng năng lượng tái tạo chính là một giải pháp giúp giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Các nguồn năng lượng tái tạo giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Ví dụ như, một hệ thống điện mặt trời công suất 1MWp được lắp đặt trên mái của nhà xưởng doanh nghiệp sẽ tạo ra 120-150 nghìn kWh điện/tháng, hơn 1,5 triệu kWh điện/năm, giúp giảm phát thải khoảng 1.000 tấn CO2/năm và tương đương với trồng hơn 17.000 cây xanh mỗi năm.
Do những lợi ích thiết thực về kinh tế – xã hội – môi trường, ngày càng nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến các giải pháp năng lượng sạch, những lợi ích của năng lượng tái tạo đối với sự phát triển bền vững.
Các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời có khả năng đứng trước “bờ vực” phá sản khi gặp phải bất cập về chính sách
Ngành điện vốn là xương sống của quốc gia. Thời gian qua, nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần cho mục tiêu giảm phát thải, nhiều dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng phải chịu cảnh “đắp chiếu”.
Tháng 3 vừa qua, 36 nhà đầu tư điện sạch đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong cơ chế giá phát điện với điện gió, điện mặt trời làm cho 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.
Đơn kiến nghị của 36 nhà đầu tư điện sạch gửi đến Thủ tướng Chính phủ |
Bản kiến nghị nêu rõ, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 dẫn tới có 84 dự án năng lượng tái tạo đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại. Đây là nguyên nhân khiến cho các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) theo quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời.
Hiện có 34 dự án chuyển tiếp, gồm 6 nhà máy điện mặt trời và 28 dự án điện gió đã hoàn tất thi công, hoàn thiện công tác thử nghiệp nhưng vẫn đang nằm chờ cơ chế. Tổng vốn đầu tư 34 dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng không bán được điện lên hệ thống điện quốc gia theo tính toán của các nhà đầu tư lên tới khoảng 85.000 tỷ đồng, trong đó có 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng.
Vì vậy, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ phương án tài chính dự án, nợ xấu doanh nghiệp gia tăng, ngân hàng khó thu hồi vốn.
Mới đây, trước thông tin EVN tăng giá điện 3%, EVN đã nhận được 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp.
Trong đó có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.
Đối với các khó khăn trong việc đàm phán giá điện của các nhà máy năng lượng chuyển tiếp, EVN đã có văn bản số 1499/EVN-TTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 báo cáo Bộ Công Thương, liên quan về các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án, tuy nhiên hiện nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Giá điện là một trong những vấn đề dễ gây khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng sạch nói chung và điện sạch nói riêng. Giá điện thấp hoặc biến động, chính sách hỗ trợ không ổn định và cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống là một số vấn đề khó khăn mà các nhà đầu tư năng lượng sạch phải đối mặt...
Giá điện thấp: Nếu giá điện quá thấp, các công ty sản xuất năng lượng sạch có thể không thể thu hồi được chi phí hoặc đảm bảo lợi nhuận. Điều này có thể ngăn các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào năng lượng sạch.
Biến động giá điện: Giá điện thay đổi liên tục và có thể biến động do nhiều yếu tố khác nhau như chính sách, giá dầu, mức độ cạnh tranh và nhu cầu năng lượng. Điều này có thể khiến cho các nhà đầu tư khó khăn trong việc tính toán và dự đoán chi phí và lợi nhuận của các dự án năng lượng sạch.
Hiện nay, nhiều dự án sản xuất điện gió, điện mặt trời chưa được hòa vào mạng lưới điện quốc gia do còn gặp nhiều vướng mắc về chính sách. Trước đó, 36 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió phải "kêu cứu" về những bất cập trong cơ chế giá phát điện làm cho 34 nhà máy điện đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.
Vì vậy, thông tin một số doanh nghiệp sản xuất điện gió, điện mặt trời thống nhất tạm mức giá bằng 50% khung giá phát điện do Bộ công thương quy định đã cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác khi các doanh nghiệp đang nỗ lực "tự cứu chính mình" trước các vướng mắc về cơ chế khi đàm phán giá.
Các doanh nghiệp năng lượng tái tạo thường có chi phí sản xuất và vận hành thấp hơn so với các nhà máy sản xuất năng lượng từ nguồn hóa thạch. Điều này cho phép các doanh nghiệp năng lượng tái tạo giảm giá bán sản phẩm của mình để cạnh tranh với các nhà sản xuất truyền thống.
Tuy nhiên, nếu tình trạng “chỉ bán nửa giá” kéo dài, các doanh nghiệp sản xuất điện gió, điện mặt trời liệu có thể thể trụ được trên thương trường?. Trong trường hợp này, những doanh nghiệp điện sạch có thể tìm cách thích ứng bằng việc thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới để cải thiện hiệu suất sản xuất và giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm các nguồn tài chính bổ sung từ các tổ chức quốc tế hoặc các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, để có thể vượt qua được những khó khăn trong tình hình giảm giá này, các doanh nghiệp điện sạch cần phải có một chiến lược kinh doanh đúng đắn, linh hoạt và đổi mới liên tục. Nhìn chung, việc giảm giá 50% có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của các doanh nghiệp điện sạch trong ngắn hạn. Tuy nhiên, thông qua các giải pháp linh hoạt và chiến lược kinh doanh đúng đắn, các công ty này vẫn có thể vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển trong lĩnh vực của mình.