Thế giới

Nợ chồng chất, G7 đau đầu với bài toán tăng trưởng trong thập kỷ đầy thách thức

Vũ Bấc 29/06/2024 - 18:19

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng với chương trình hành động thống nhất và hiệu quả là hai trụ cột chính sách lớn cho các nền kinh tế tiên tiến G7.

Được thành lập vào năm 1976, nhóm G7 bao gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy. Cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), G7 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc kinh tế và quản trị toàn cầu.

Nợ chồng chất, G7 đau đầu với bài toán tăng trưởng trong thập kỷ đầy thách thức
Các nhà lãnh đạo G7 nhóm họp tại Puglia, Ý vào tháng 6/2024

Sau cuộc họp năm nay tại thành phố Puglia miền Nam Ý, các quốc gia nhóm G7 hiện đang chiếm 61% nợ công, 45% GDP và 11% lực lượng lao động trên toàn thế giới.

Báo Financial Times có một nhận định thú vị rằng, tương lai kinh tế của các nền dân chủ phụ thuộc vào việc giảm chỉ số đầu tiên (nợ công), tăng chỉ số thứ hai (GDP) và quan trọng nhất là phải làm cho chỉ số thứ ba - lực lượng lao động của G7 chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ - trở nên năng suất hơn.

Larry Fink, CEO của quỹ BlackRock, một trong những “ông trùm” của ngành tài chính toàn cầu cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là “chìa khóa vàng” để mở khóa cả 3 mục tiêu trên.

Tiến thoái lưỡng nan

Từ góc nhìn kinh tế học, Mỹ, Anh và các đồng minh của họ đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về tăng trưởng. Gánh nặng nợ công đã trở nên lớn đến mức các chính sách tài chính truyền thống không còn có thể chế ngự mức nợ công một cách hiệu quả.

Đến năm 2030, chi tiêu bắt buộc của chính phủ Mỹ cùng với lãi ròng của các khoản nợ sẽ vĩnh viễn vượt quá nguồn thu của chính phủ chủ yếu từ thuế. Ngay cả khi chi tiêu tùy ý giảm tới 0, ngân sách đất nước vẫn sẽ bị thâm hụt. Dự báo đó căn cứ vào tình hình pháp luật và chính sách hiện hành. Ngay cả khi luật pháp thay đổi, cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế vẫn không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Nhiều nước trong nhóm G7 cũng đang đứng trước tình thế tương tự hoặc nhen nhóm nguy cơ.

Lối thoát duy nhất là tăng trưởng - tăng quy mô nền kinh tế đến mức nợ công nhỏ hơn nguồn thu. Đến đây, bài toán thúc đẩy tăng trưởng phát sinh, với gợi ý là 2 chỉ số còn lại.

Trần tăng trưởng của một nền kinh tế được ấn định một phần bởi quy mô lực lượng lao động. Hiện nay Nhật Bản, Đức, Pháp và Ý đang chứng kiến ​​dân số trong độ tuổi lao động giảm. Nếu xu hướng nhập cư tiếp tục, tình trạng này cũng sẽ diễn ra ở Mỹ và Anh. Các nhà kinh tế học dự báo đến năm 2065, Canada sẽ là quốc gia G7 duy nhất không bị suy thoái về nhân khẩu học.

Nền kinh tế cần tăng trưởng nhanh song hành với mức tăng nợ công và mức độ già hóa của dân số trong độ tuổi lao động. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng được hy vọng sẽ đem lại mức tăng trưởng cao, thu hút đầu tư tư nhân mà không cần đến chi tiêu chính phủ. Để chứng minh cho quan điểm này, CEO của BlackRock đưa ra ví dụ: từ năm 1950 đến năm 1989, khoảng 25% mức tăng năng suất ở Mỹ là do tăng cường đầu tư vào hệ thống đường cao tốc.

Sự tăng trưởng này có thể được cảm nhận rất nhanh chóng. Ví dụ, việc xây dựng các trung tâm dữ liệu mới cho AI đang khiến nhu cầu năng lượng của Mỹ tăng trưởng sau 15 năm trì trệ. Ngoài ra, công nghệ cũng sẽ giúp con người làm việc hiệu quả hơn, nghĩa là lực lượng lao động nhỏ hơn trong tương lai của chúng ta vẫn có thể làm việc hiệu quả hơn lực lượng lao động lớn như hiện tại.

Tuy nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng cần một nền móng vững chắc để đảm bảo tính hiệu quả. Nền móng ấy nằm trong đầu những nhà lãnh đạo chứ không phải trên những công trường hay phòng giao dịch. Đó là đường lối quản lý kinh tế dựa trên chủ nghĩa thực dụng.

Đầu tiên là tính thực dụng trong tài chính. Đến năm 2040, thế giới sẽ phải chi 75 nghìn tỷ USD để sửa chữa cơ sở hạ tầng cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Yêu cầu người nộp thuế gánh khoản nợ mới 75 nghìn tỷ USD không phải là điều sáng suốt. Tuy rằng thị trường vốn không phải lúc nào cũng là giải pháp thay thế tốt cho nguồn tài chính công, nhưng lại đặc biệt hữu dụng trong trường hợp này. Nguồn cung đầu tư tư nhân cho cơ sở hạ tầng hiện nay là 1 nghìn tỷ USD và BlackRock dự đoán đây sẽ là một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất của thị trường vốn.

Dự đoán công thức tăng trưởng bền vững của các nước G7 trong thập kỷ nhiều thách thức
Trung Quốc với sự tăng trưởng như vũ bão sẽ nhanh chóng đuổi kịp, thậm chí vượt qua nhóm G7?

Thứ hai là cần thực dụng trong chính sách — cụ thể là trong việc nới lỏng cho các ngành phát triển nhanh. Khi Tổng thống Biden ký Đạo luật Giảm lạm phát hai năm trước, các khoản đầu tư vào năng lượng sạch của luật này được dự kiến ​​sẽ giảm lượng khí thải carbon xuống 710 triệu tấn (MMT) vào năm 2030. Nhưng nếu việc cấp phép tiếp tục bị chậm trễ, thì dự báo mới chỉ đạt 445 triệu tấn.

Ở cả Mỹ và EU, việc cấp phép cho một dự án cơ sở hạ tầng trung bình mất nhiều thời gian hơn so với quy trình xây dựng. Đường dây điện cao thế bổ sung cần tới 13 năm mới được cấp phép. Trái lại, Trung Quốc mất không quá 3,5 năm để triển khai cùng một dự án. Các nhà lãnh đạo G7 có lẽ cần gỡ bỏ những rào cản đối với xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng.

Cuối cùng, quản lý ngành năng lượng cũng cần tính thực dụng. Phần lớn cơ sở hạ tầng mới dành được phát triển cho ngành năng lượng tái tạo. Nhưng nếu không có tiến bộ trong lưu trữ, điện gió và điện mặt trời vẫn chưa thể phát huy tối đa tiềm năng phục vụ nền kinh tế. Hiện nay, ước tính rằng hơn một nửa lượng điện của các trung tâm dữ liệu phải đến từ các nguồn ổn định và sức phát cao như điện hạt nhân hoặc khí đốt tự nhiên. Nếu không thúc đẩy tiềm lực năng lượng tái tạo, những nền tảng của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ sớm rơi vào đình trệ.

Trong các cuộc thảo luận tại G7, rất ít người không đồng tình với các mục tiêu này. Ai phản đối tăng trưởng kinh tế nhiều hơn? Phần khó khăn là điều gì xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo rời khỏi phòng họp. Làm thế nào để biến mục tiêu thành kế hoạch, biến kế hoạch thành hành động?

May mắn thay, trong trường hợp này, chiến lược tăng trưởng có thể bắt đầu bằng một chuỗi logic rất đơn giản. Các quốc gia có thể phát triển bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng. Họ có thể xây dựng cơ sở hạ tầng bằng cách mở khóa đầu tư tư nhân. Để mở khóa đầu tư tư nhân thì cần đổi mới thông minh về chính sách. Các nền dân chủ lớn trên thế giới trong lịch sử cũng là những cường quốc kinh tế lớn. Với một thước đo thực dụng, các quốc gia G7 có thể vượt qua những thách thức lớn của thời đại với nền kinh tế ổn định.

Theo Financial Times

>> BlackRock: Thị trường đang bị "dắt mũi" khi đặt cược Fed sẽ hạ lãi suất

Đan Mạch đánh thuế phát thải CO2 nông nghiệp: Mỗi con bò phải gánh 100 euro/năm do... ợ hơi

G7 dần mất "sân chơi" vào tay BRICS?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-chong-chat-g7-dau-dau-voi-bai-toan-tang-truong-trong-thap-ky-day-thach-thuc-240353.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nợ chồng chất, G7 đau đầu với bài toán tăng trưởng trong thập kỷ đầy thách thức
    POWERED BY ONECMS & INTECH