Điểm đến

Nơi dưới lòng đất Việt Nam được mệnh danh “huyền thoại trong lòng đất lửa” với chiều dài đường hầm 1.060m, là chỗ trú ngụ khỏi đạn bom cho hơn 600 người trong 2.000 ngày đêm

Thanh Thanh 10/11/2023 17:00

Địa đạo trong lòng đất này không chỉ là căn cứ chiến đấu của bộ đội mà còn là hầm giữ tính mạng cho cả một làng quê.

Nhắc đến Quảng Trị là nhắc đến vùng đất đau thương nhiều bom đạn, là nơi phải chịu nỗi đau vô hạn, trực tiếp mang trên mình vết thương chia cắt. Dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỉ nhưng những kí ức về năm tháng đạn bom máu lửa vẫn còn đó. Minh chứng rõ nét nhất đó chính là những di tích lịch sử, những địa chỉ đỏ, khu lưu niệm để nhắc nhớ chúng ta về một thời kỳ oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt nhất trong số đó là Địa đạo Vịnh Mốc - công trình kiến trúc kỳ vĩ dưới lòng đất, nơi những người con của vùng đất Vĩnh Linh sống và chiến đấu hết mình để giành độc lập cho dân tộc.

dia-dao-vinh-moc-08

Chỉ một lần đến Vịnh Mốc, du khách sẽ cảm nhận được sự chịu đựng gian khổ, sức sáng tạo không ngừng và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Vĩnh Linh trong những năm tháng chiến tranh.

Công trình kiến trúc độc nhất vô nhị

Vào những năm 1965, trước sự tàn phá của không quân và pháo binh Mỹ, vùng quê Vịnh Mốc tại xã Kim Thạch, H.Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị hủy diệt hoàn toàn. Quân và dân Vĩnh Linh lúc đó đã chuyển cuộc sống từ mặt đất xuống lòng đất, kiến tạo một hệ thống làng hầm đồ sộ, độc đáo nhằm bám đất, bám làng để chiến đấu.

langham7

Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong khoảng 2 năm, từ năm 1965 đến 1967.

Bước chân vào lòng địa đạo là một cảm giác mát lạnh. Sẽ là một thử thách lớn nếu bạn là một người sợ bóng tối và sợ không gian hẹp. Bên trong địa đạo được thiết kế thông hơi, thông khí, đảm bảo cho hàng trăm người sinh hoạt và chiến đấu trong lòng địa đạo. Đi sâu vào trong, dưới ánh đèn chiếu đủ sáng, du khách sẽ nhìn thấy rõ màu đất đỏ của vùng đất huyền thoại cũng như nơi ở và sinh hoạt trong địa đạo.

dia-dao-vinh-moc-mot-the-gioi-song-duoi-long-dat1-1608865692105-1608865692341685980801

Sức sống của công trình này chính là sức sáng tạo của người dân nơi đây, họ đã biến lòng đất thành những pháo đài vững chãi với 3 tầng liên thông. Tầng một cách sâu mặt đất từ 12 đến 15m, là nơi người dân sinh sống. Tầng 2 sâu 18m là Trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và Bộ chỉ huy quân sự. Tầng 3 sâu 22m, dùng làm kho chứa hậu cần, cung cấp lương thực và vũ khí cho đảo Cồn Cỏ gần đó và phục vụ chiến đấu cho quân và dân địa đạo Vịnh Mốc.

Toàn bộ hệ thống có 13 cửa ra vào gồm 7 cửa thông ra biển, 6 cửa đi lên đồi và 3 giếng thông hơi. Các cửa hầm có cột gỗ để chống sập và sụt lở, được ngụy trang kín đáo, chếch theo hướng gió, đảm bảo thông thoáng.

dia-dao-vinh-moc-04
5c1fb0907104d15

Công trình kiến trúc tuyệt tác này được xây dựng bởi đôi bàn tay của người dân với những dụng cụ thô sơ tự tạo trong gần 20 tháng. Không có máy ngắm, người dân làm những que vòng cung cố định theo đường vòng lên mặt đất, rồi đào theo những đường cong đó. Không có máy móc đo mặt phẳng, họ lấy nước đổ vào chai làm thước đo; dùng dây buộc vào hòn đá làm dây dọi đo độ sâu. Trong quá trình đào hầm, khoảng 6.000m3 đất đá được người dân đưa ra từ giếng sâu bằng cách kéo thủ công từng chút, trong đó 90% được âm thầm đổ ra biển, số còn lại đổ vào hố bom, gốc cây.

langham11

Đến giờ này, những dòng nước vẫn trong lành và chưa khi nào cạn.

Mặt bằng của đường hầm địa đạo Vịnh Mốc được đào cao hơn 5m so với mực nước biển, nghiêng từ 8 – 120 độ từ Nam về Bắc, từ Tây sang Đông để nước dễ thoát, không bị đọng lại trong địa đạo, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra được bình thường kể cả vào mùa mưa. Nhờ đó mà đất sét trong hầm ngày càng cứng hơn khiến cấu trúc địa đạo Vịnh Mốc vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Một thế giới bên dưới một cuộc chiến

Có thể nói rằng địa đạo Vịnh Mốc chính là một ngôi làng dưới mặt đất với các công trình như giếng nước sinh hoạt, kho gạo, bếp Hoàng Cầm, trạm gác, trạm đặt máy điện thoại, bệnh xá, phòng phẫu thuật, nhà hộ sinh, nhà tắm… Đặc biệt, dọc hai bên đường hầm khoét sâu 1.8m và rộng 0.8m thành những ô nhỏ, là những phòng dành cho hộ gia đình từ 3 – 4 người có thể sinh hoạt được. Bên trong hầm còn có một hội trường dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim với sức chứa lên đến hơn 50 người.

langham9

Địa đạo là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được kiến tạo dưới lòng đất.

Trong suốt thời gian tồn tại trong lòng địa đạo, người dân Vịnh Mốc không một ai bị thương và 17 em bé đã chào đời,...Thời cao điểm, sức chứa của địa đạo Vịnh Mốc khoảng 600 người. Ban ngày, người dân hoàn toàn sống dưới lòng đất, ban đêm khi yên bom đạn họ mới lên mặt đất trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản. Suốt 6 năm dài, người dân hoàn toàn sống trong bóng tối, ba mẹ phải ngủ ngồi nhường chỗ cho các con nằm. Chỉ khi cần thiết như hội họp, cấp cứu bệnh nhân, chăm sóc trẻ sơ sinh... mới thắp đèn bằng dầu hỏa, mỡ.

26071360-1443-4b9c-98b5-12ff1acd789c
94e977bd879b36c10e5ba38c8548da1e

Phòng hộ sinh.

Địa đạo đã chở che, bảo toàn mạng sống cho người dân Vịnh Mốc. Hơn thế, người dân nơi đây còn sống và chiến đấu, đánh giặc ngay trên quê hương của mình, họ tập kết vận chuyển vũ khí lương thực, cấp cứu thương binh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ... Trong gần 2000 ngày đêm trong lòng địa đạo, quân và dân Vịnh Mốc nói riêng cũng như Vĩnh Linh đã tạo nên một huyền thoại. Đó là huyền thoại về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người.

Đây là công trình được tạo dựng bằng sức lực và trí tuệ của quân và dân Vịnh Mốc, là di tích lịch sử văn hóa mang nhiều giá trị lịch sử, giáo dục to lớn, biểu tượng cho tinh thần yêu nước bất diệt, ý chí quật cường và sự sáng tạo của cha ông ta trong những năm kháng chiến.

bom

Theo thống kê, từ năm 1964 đến năm 1972, đế quốc Mỹ đã ném xuống nơi đây hơn 668.000 tấn bom các loại

Địa đạo Vịnh Mốc đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bên cạnh đó, ngày 01/7/2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã có Quyết định công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với địa đạo Vịnh Mốc.

Từ năm 1995, Khu Bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chính thức mở cửa đón khách tham quan. Hiện nay, Địa đạo Vịnh Mốc không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn thu hút đông đảo khách nước ngoài khi đến thăm Quảng Trị.

>> Bên trong hầm chống bom nguyên tử ở Việt Nam được đúc bằng 1.000m3 bê tông cốt thép, chống chịu cả sức công phá của bom và tên lửa

Huy động hơn 180 nghìn tỷ đồng cùng 360.000 tấn thanh cốt thép, hai quốc gia châu Âu bắt tay xây dựng đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới

Hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội, từng là đường hầm hiện đại nhất Đông Nam Á nối với con đường top 'đắt nhất hành tinh'

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/noi-duoi-long-dat-viet-nam-duoc-menh-danh-huyen-thoai-trong-long-dat-lua-voi-chieu-dai-duong-ham-1060m-la-cho-tru-ngu-khoi-dan-bom-cho-hon-600-nguoi-trong-2000-ngay-dem-d111264.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nơi dưới lòng đất Việt Nam được mệnh danh “huyền thoại trong lòng đất lửa” với chiều dài đường hầm 1.060m, là chỗ trú ngụ khỏi đạn bom cho hơn 600 người trong 2.000 ngày đêm
    POWERED BY ONECMS & INTECH