Câu chuyện đã thu hút cuộc thảo luận sôi nổi về thị trường việc làm siêu cạnh tranh tại Trung Quốc và thách thức mà sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt.
Một sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc  cho hay đã nộp hơn 800 đơn xin việc, tham gia phỏng vấn 30 lần nhưng vẫn chưa có công việc ổn định.
Câu chuyện của cô gái trẻ ở Hà Nam (Trung Quốc) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Cô là cử nhân mới ra trường nhưng vẫn chật vật tìm việc làm. Trong video được đăng tải, cô không giấu được nước mắt và hỏi: "Tôi học đại học để làm gì?". Đoạn video này đã nhanh chóng làm dấy lên các cuộc thảo luận về thị trường việc làm siêu cạnh tranh tại Trung Quốc và những thách thức mà sinh viên mới tốt nghiệp phải đối mặt.
Ảnh chụp màn hình từ video Douyin chia sẻ câu chuyện đầy nước mắt của cô gái trẻ về cuộc đấu tranh tìm việc làm khi mới tốt nghiệp. Ảnh: Internet |
Cử nhân trẻ cho biết cô học chuyên ngành quảng cáo và lập kế hoạch, đồng thời cũng cho biết bản thân đã tham gia rất nhiều lớp học khác nhau về các chủ đề như nghiên cứu xã hội, lập trình và khởi nghiệp.
“Vì vậy, tôi biết mỗi thứ một chút nhưng cuối cùng lại giống như người chẳng giỏi gì cả,” cô than thở và cho biết điều đáng buồn là cô phát hiện ra rằng những người không học Đại học cũng có những kỹ năng tương tự.
Trước khi tốt nghiệp, cô đã từng đi thực tập ở nhiều nơi. Điều đáng nói là vị trí thực tập sinh tại các công ty thường không có lương và không thể đảm bảo có việc làm toàn thời gian khi kết thúc thời gian thực tập.
Cô tiếp tục kể về người bạn thân nhất của mình đang có một công việc ở Bắc Kinh, một trong những thành phố đắt đỏ bậc nhất với mức lương hàng tháng chỉ 7.500 nhân dân tệ (hơn 25 triệu đồng). Người bạn của cô cũng thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính trong nhiều ngày.
Mặc dù đây là mức lương tương đối tốt cho một sinh viên mới tốt nghiệp nhưng cô cho biết bạn của cô phải dành ra 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu đồng) mỗi tháng để thuê một căn phòng nhỏ và liên tục làm việc đến tận nửa đêm. Ngay cả trong những ngày nghỉ, bạn của cô ấy vẫn có thể được gọi đi làm bất cứ lúc nào.
"Bạn tôi đi làm về lúc 1 giờ sáng, có khi 3, 4 giờ. Ngày hôm sau, cô ấy phải dậy lúc 7 giờ sáng để tiếp tục làm việc", chủ nhân của video chia sẻ.
Cô gái trẻ tiếp tục so sánh mình với những người bạn cùng trang lứa, những người dường như đã đạt được những bước tiến trong công việc khi lập nghiệp sớm hơn cô.
Chủ video thừa nhận rằng cô đã được nuôi dạy để tin rằng một công việc tốt với mức lương cao sẽ đến với mình miễn là cô tốt nghiệp Đại học. “Chính sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế quá lớn khiến tôi cảm thấy như mình sắp bị trầm cảm", cô òa khóc.
Đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được công việc ổn định, nhân vật trong video cho biết bản thân áp lực đến nỗi không dám về nhà: "Còn tôi thì sao? Gia đình gây áp lực muốn tôi về làm giáo viên hoặc xin vào một cơ quan Nhà nước. Nhưng xin việc đâu có dễ như vậy". Cô phải tránh về nhà vào dịp Tết Nguyên đán để không phải đối mặt với các câu hỏi của người thân.
Sau khi đăng tải, video của cô đã nhận về hàng nghìn lượt thích và bình luận, một lần nữa làm sáng tỏ cuộc cạnh tranh khốc liệt của những sinh viên trẻ Trung Quốc  mới tốt nghiệp đang bước vào lực lượng lao động.
Nhiều bình luận đồng cảm với cô và dành những lời động viên. Một số khác thì cho rằng do bản thân cô gái không chủ động trau dồi kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.
Một người dùng mạng khác viết: “Kể từ khi bắt đầu đi làm, bài học đầu tiên mà xã hội dạy tôi là phải tự thừa nhận mình chỉ là một người tầm thường”. Một người khác cho hay: “Hơn 10 năm trước, tôi nhận ra rằng thà học một kỹ năng cứng còn hơn là vào Đại học”.
Hãng tin Bloomberg đưa tin, con số kỷ lục 11,5 triệu sinh viên dự kiến sẽ tốt nghiệp đại học và cao đẳng ở Trung Quốc trong năm nay, gây thêm áp lực lên tỷ lệ thất nghiệp  trong giới trẻ nước này vốn đã gần đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để trợ giúp thị trường lao động, bao gồm khuyến khích các doanh nghiệp duy trì việc làm cũng như hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp muốn bắt đầu kinh doanh riêng.
>> Kinh tế giảm tốc, thất nghiệp cao, giới trẻ Trung Quốc chi tiền tỷ để 'mua việc làm'