NSND sở hữu ‘giọng ngâm thơ huyền thoại’ của Đài Tiếng nói Việt Nam qua đời do ung thư
Sinh thời, bà tâm đắc với Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dày công thu thanh toàn bộ tập thơ để gửi tặng Khu di tích lịch sử Kim Liên.
Theo thông tin từ gia đình, NSND  Vũ Thị Kim Dung - “giọng ngâm thơ huyền thoại” của Đài Tiếng nói Việt Nam đã qua đời vào lúc 13h10 ngày 26/3 (giờ Việt Nam) sau thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư. Bà trút hơi thở cuối cùng tại Cộng hòa Séc, hưởng thọ 80 tuổi.
Nghệ sĩ Vũ Thị Kim Dung sinh năm 1945 tại Nam Định. Ở tuổi 16, bà trúng tuyển vào Đoàn Cải lương Trung ương. Từ năm 1968, bà bắt đầu cộng tác với chuyên mục Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhanh chóng trở thành một trong những giọng ngâm thơ được yêu thích nhất bên cạnh các tên tuổi như Châu Loan, Linh Nhâm, Kim Cúc…

Bà thường xuyên được giao thể hiện những bài thơ “tâm công” - những tác phẩm nhằm thu phục lòng người bằng chính nghĩa, lẽ phải và đạo lý trên làn sóng phát thanh địch vận, góp phần vận động chiến sĩ "phía bên kia" quay súng trở về với nhân dân và Tổ quốc.
Từ những bài thơ ấy, giọng ngâm sâu lắng và truyền cảm của nghệ sĩ Kim Dung đã in đậm trong lòng khán thính giả cả nước. Bà được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam chú ý và mời về công tác. Năm 1972, khi vừa về công tác chưa lâu, bà cùng các đồng nghiệp trong Ban Văn nghệ đã sơ tán lên Sơn Tây để tiếp tục hoạt động phát thanh trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
Theo soạn giả Mai Văn Lạng, NSND Kim Dung cùng các NSND như Châu Loan, Trần Thị Tuyết… chính là những tên tuổi đã góp phần làm nên thương hiệu Tiếng thơ vang danh của Đài Tiếng nói Việt Nam trong các thập niên 60, 70 và 80.
Bên cạnh việc phục vụ làn sóng phát thanh và biểu diễn phục vụ khán giả trên khắp mọi miền đất nước, nghệ sĩ còn tham gia đào tạo nhiều thế hệ học trò, trong đó có con gái bà - ca sĩ Trịnh Thu Hương. Ngoài ngâm thơ, bà còn dành trọn một thập kỷ để học ca trù từ hai nghệ nhân danh tiếng là Quách Thị Hồ và Nguyễn Thị Phúc.
Năm 2000, bà nghỉ hưu sau nhiều năm cống hiến tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nghệ sĩ từng chia sẻ: ''Giọng ngâm là để chắp cánh cho thơ. Phải làm sao để người nghe không chỉ hiểu mà còn cảm được cái hồn, cái tình của câu thơ''. Sinh thời, bà đặc biệt tâm đắc với Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh  vì cảm nhận được sự nhân văn, trí tuệ và tình người trong từng dòng thơ.
Bà đã có cơ hội đi nhiều nơi để ngâm thơ minh họa các tác phẩm của Bác Hồ, đặc biệt trong các dịp kỷ niệm sinh nhật Bác. Bà còn dày công thu thanh toàn bộ tập thơ Nhật ký trong tù để gửi tặng Khu di tích lịch sử Kim Liên như một món quà ý nghĩa.

Sau khi nghỉ hưu, nghệ sĩ sinh sống cùng con cháu tại Cộng hòa Séc nhưng vẫn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Năm 2015, bà cho ra mắt cuốn sách Con đường đến với nghệ thuật ngâm thơ và ca trù. Năm 2023, bà trở về Việt Nam tham dự chương trình giao lưu Tiếng thơ sóng bước cuộc đời do VOV6 tổ chức.
Với sự nghiệp ngâm thơ và hát ca trù, bà đã giành hai Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985 với tiết mục ngâm bài Tre Việt Nam (Nguyễn Duy) và hát ca trù bài Xuân không tuổi (Xuân Thủy).
Bà được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp dân vận vào năm 2014. Trước đó, năm 1993, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Và đến năm 2024, bà chính thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân.