Xã hội

Nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của quân đội Việt Nam: Từng tay không bắt quan Pháp, được Bác Hồ tặng khẩu súng lục

Minh Phát 05/05/2025 00:03

Bà cũng chính là nhân vật từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới trong các bài phát biểu tại lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức.

Nữ du kích gan dạ

Bà Nguyễn Thị Chiên sinh năm 1930 tại xã Tán Thuật, nay thuộc thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình , lớn lên trong một gia đình nghèo khó, mồ côi cha mẹ từ sớm. Trong bối cảnh đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, cuộc sống thiếu thốn buộc bà phải đi ở đợ từ khi còn nhỏ.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà trở về quê, bắt đầu tham gia các hoạt động cách mạng, được giác ngộ về lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và thoát khỏi cảnh cơ cực của người dân nghèo.

Với bản tính nhanh nhẹn và ý chí mạnh mẽ, Nguyễn Thị Chiên sớm gia nhập lực lượng du kích địa phương. Bà tham gia rải truyền đơn, xây dựng lực lượng du kích, đồng thời rèn luyện kỹ năng sử dụng nhiều loại vũ khí từ dao, kiếm đến súng và lựu đạn. Không chỉ hoạt động ban ngày, bà cùng các đồng đội còn thực hiện các nhiệm vụ táo bạo vào ban đêm, phối hợp cùng lực lượng nam giới phá hoại các cứ điểm của địch.

Từ năm 16 tuổi, bà làm giao thông viên cho hội phụ nữ xã, sau đó lần lượt tham gia đội du kích thôn, đoàn thanh niên, rồi trở thành du kích xã. Với sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm, bà được tín nhiệm bầu làm Tiểu đội phó, rồi Tiểu đội trưởng.

Năm 18 tuổi, nhờ những đóng góp nổi bật và sự dìu dắt của chi bộ địa phương, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của quân đội Việt Nam: Từng tay không bắt quan Pháp, được Bác Hồ tặng khẩu súng lục - ảnh 1
Chân dung nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên

Bà Nguyễn Thị Chiên không ngừng cống hiến cho cách mạng, thể hiện tài năng tổ chức và chỉ huy trong các phong trào kháng chiến. Bà góp phần xây dựng cơ sở cách mạng, vận động nhân dân, đoàn kết các lực lượng để đối phó với sự kiểm soát khắc nghiệt của kẻ thù.

Dưới sự lãnh đạo của bà, trung đội nữ du kích xã liên tục lập chiến công trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến trường hậu địch. Với lối đánh sáng tạo, giữ bí mật tuyệt đối và lòng dũng cảm, bà trở thành một du kích xuất sắc, tiếng tăm vang xa khắp vùng.

Tháng 4/1950, trong một lần đưa cán bộ về địa phương hoạt động, bà bị địch bắt tại làng Rặng Thông, huyện Kiến Xương. Suốt hơn 3 tháng bị giam cầm, dù bị tra tấn dã man, bà vẫn kiên cường không khai báo bất kỳ thông tin nào. Không tìm được bằng chứng, địch buộc phải thả bà.

Sau khi được tự do, Nguyễn Thị Chiên tiếp tục tham gia du kích, xây dựng lực lượng và rèn luyện kỹ năng chiến đấu, gây rối hậu phương địch. Từ năm 1951, bà cùng đồng đội hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua sản xuất và lập công do Đảng và Chính phủ phát động, đạt được nhiều thành tích đáng kể.

Trong trận phục kích trên đường 39 vào tháng 10/1951, trung đội du kích do bà chỉ huy phối hợp cùng bộ đội địa phương đánh bại kẻ thù, bắt sống nhiều tên và thu toàn bộ vũ khí. Cá nhân bà bắn bị thương một số địch và bắt sống ba tên.

Cuối năm 1951, trong một trận khác, dù lực lượng địch đông gấp bội, tay không bà đã bắt được tên quan hai Pháp. Đầu năm 1952, trung đội của bà được giao nhiệm vụ tấn công bốt An Bồi. Với vai trò hỗ trợ quân báo, chăm sóc thương binh và thu dọn chiến trường, bà cùng đồng đội tiêu diệt địch, bắt sống 52 tên, thu nhiều vũ khí và quân trang.

Trong trận này, bà được biểu dương vì sự gan dạ, bình tĩnh đưa thương binh thoát hiểm dưới làn đạn địch và khám phá kho vũ khí của đối phương.

Nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của quân đội Việt Nam: Từng tay không bắt quan Pháp, được Bác Hồ tặng khẩu súng lục - ảnh 2
Bác Hồ và các Anh hùng Chiến sĩ thi đua tại Việt Bắc năm 1952 (Anh hùng Nguyễn Thị Chiên đứng thứ 5 từ trái qua). Ảnh tư liệu.

Được Bác Hồ dành tặng món quà đặc biệ t

Từ thân phận người dân bị áp bức, Nguyễn Thị Chiên đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn từ năm 1946 đến năm 1952, bà tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức và chỉ huy Đội du kích, nhiều lần trực tiếp tham chiến, phá tề, chống càn, bắt và tiêu diệt nhiều tên địch. Với những chiến công xuất sắc, bà được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất cùng hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại Việt Bắc ngày 1/5/1952, Nguyễn Thị Chiên là nữ du kích duy nhất được lựa chọn báo cáo điển hình. Ngay trong dịp trọng đại này, bà vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng một khẩu súng lục – phần thưởng cao quý thể hiện sự trân trọng đặc biệt của Người, cũng như là hiện thân cho những cống hiến to lớn mà không phải chiến sĩ nào cũng có được.

Với những đóng góp nổi bật, bà Nguyễn Thị Chiên trở thành người phụ nữ đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau Đại hội, bà tiếp tục được cử tham gia đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội Hòa bình châu Á – Thái Bình Dương tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cũng như Đại hội Hòa bình Thế giới tại Áo, cùng các trí thức tên tuổi như luật sư Nguyễn Mạnh Tường, cư sĩ Lê Đình Thám, nhà giáo Đặng Chấn Liêu, nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh, Nguyễn Xuân Trâm, Anh hùng Ngô Gia Khảm... dưới sự dẫn dắt của đồng chí Xuân Thủy.

Ngày 10/8/1952, Chủ tịch Chính phủ ký Sắc lệnh số 107/QĐ trao danh hiệu Anh hùng thi đua ái quốc cho bà Nguyễn Thị Chiên cùng 6 chiến sĩ thi đua thuộc các ngành khác nhau. Không chỉ là người nữ Anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, bà còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới trong các bài phát biểu tại lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức.

Dưới bút danh C.B trên Báo Nhân Dân, Người viết riêng một bài mang tên “NGUYỄN THỊ CHIÊN”, trong đó khẳng định: “Chị Chiên, vì yêu nước, căm giặc, trung thành với đoàn thể, kiên quyết bám sát dân, luôn luôn thương yêu đồng đội, nắm vững và ra sức thi hành chính sách nên đã lập được công to, rất xứng đáng là Anh hùng Quân đội".

Nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của quân đội Việt Nam: Từng tay không bắt quan Pháp, được Bác Hồ tặng khẩu súng lục - ảnh 3
Bà Nguyễn Thị Chiên trong cuộc sống đời thường

Sau ngày Thủ đô giải phóng, bà tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lực lượng dân quân ở 4 huyện ngoại thành Hà Nội. Chính trong thời gian công tác này, bà gặp ông Vũ Anh Tài, cán bộ Sư đoàn 320. Hai người nên duyên vợ chồng và có với nhau một người con gái. Bà tiếp tục làm việc tại Tổng cục Chính trị , Quân khu Thủ đô cho đến khi nghỉ hưu năm 1984 với quân hàm Trung tá và mức thương tật hạng 4/4.

Người nữ Anh hùng Nguyễn Thị Chiên qua đời lúc 8h20 sáng ngày 1/6/2016 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), hưởng thọ 87 tuổi.

Tham khảo:

- Nguyễn Thị Chiên - nữ anh hùng “tay không bắt giặc” - Báo Thái Bình (16/03/2020)

- Gặp lại anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên - Báo Công an Nhân dân (06/06/2010)

- Nguyễn Thị Chiên – Nữ anh hùng Quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (30/10/2015)

>> Anh hùng duy nhất Việt Nam được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quyết định lấy tên đặt tên đường ngay khi còn sống

Đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Hội Nông dân giải phóng miền Trung - Tây Nguyên

Người lính quyết ‘chặt đứt tay’ để phá đồn địch, cuộc sống đời thường bình dị: Là Anh hùng LLVTND được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp động viên chiến đấu

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nu-anh-hung-llvtnd-dau-tien-cua-quan-doi-viet-nam-tung-tay-khong-bat-quan-phap-duoc-bac-ho-tang-khau-sung-luc-141612.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nữ Anh hùng LLVTND đầu tiên của quân đội Việt Nam: Từng tay không bắt quan Pháp, được Bác Hồ tặng khẩu súng lục
    POWERED BY ONECMS & INTECH