Nữ Thiếu tá được đề nghị phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân: Đang là Giám đốc, 'bóng hồng' của Viện Hàng không vũ trụ Viettel
Thiếu tá Lê Thị Hằng có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của đề án nghiên cứu, chế tạo thiết bị dẫn đường cho các khí tài quân sự công nghệ cao.
Thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 46 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, Bộ Quốc phòng đăng công khai danh sách tập thể và cá nhân đã được các cơ quan, đơn vị đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân.
Trong số đó, Thiếu tá Lê Thị Hằng – Giám đốc Trung tâm C4, Viện Hàng không vũ trụ Viettel , Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội được đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chị có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của đề án nghiên cứu, chế tạo thiết bị dẫn đường cho các khí tài quân sự công nghệ cao.

Theo Báo QĐND, tốt nghiệp ngành Điện tử viễn thông năm 2008, Lê Thị Hằng gia nhập Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu công nghệ mạng Viettel.
Thời điểm đó, chị là “bóng hồng” duy nhất dấn thân vào lĩnh vực công nghệ mạng di động mới – một hướng đi được xem là "khó nhằn" trong nghiên cứu kỹ thuật.
Với tinh thần liên tục mở rộng giới hạn của bản thân, gần 20 năm qua, Thiếu tá Lê Thị Hằng luôn là người tiên phong thử sức ở những việc mới việc khó: từ anten, radar, đến đầu tự dẫn; từ vị trí lãnh đạo sang một đơn vị mới chấp nhận là nhân viên để thử sức ở một lĩnh vực mới hoàn toàn chưa có kinh nghiệm…
Thiếu tá Hằng được đánh giá là "nhân vật không thể thay thế" trong nhiều dự án của Viện Hàng không vũ trụ Viettel.
Chi tiết danh sách các tập thể, cá nhân tiếp tục được các cơ quan, đơn vị trong toàn quân xem xét, đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
1. Đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
- Liệt sĩ Hoàng Sâm, nguyên Tư lệnh Liên khu 3 (Thiếu tướng Hoàng Sâm, nguyên Tư lệnh Quân khu 3).
2. Đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
a) Tập thể (1 tập thể)
- Hội Nông dân giải phóng miền Trung - Tây Nguyên (Hội Nông dân giải phóng Khu V).
b) Cá nhân (1 cá nhân)
- Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu 2 (sau này là Thiếu tướng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2).
3. Đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
a) Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (6 tập thể, 1 cá nhân)
- Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam;
- Học viện Hậu cần;
- Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân;
- Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh;
- Viện Hóa học Môi trường quân sự, Binh chủng Hóa học;
- Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng;
- Thiếu tá Lê Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm C4, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.
b) Danh hiệu Anh hùng Lao động (1 tập thể)
- Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.