Anh hùng LLVT nhân dân từng bắn hạ 6 máy bay địch: Hiệu trưởng của nhiều thế hệ phi công, có vợ là NSND ‘huyền thoại’ của nhạc cách mạng Việt Nam
Ông từng là phi công chiến đấu mưu trí, quả cảm, bắn rơi 6 máy bay của địch và là 1 trong 16 phi công Aces của Việt Nam.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Ngọc Đỉnh quê ở xã Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Khi được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, ông đang là Đảng viên, mang quân hàm Đại úy, là phi công chiến đấu thuộc Đoàn Không quân Sao Đỏ.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của địch ra miền Bắc, ông đã tham gia 8 trận không chiến, bắn 12 quả tên lửa, hạ 6 máy bay Mỹ (gồm 5 máy bay phản lực và 1 trực thăng). Ngoài ra, với vai trò chỉ huy biên đội, ông còn góp phần bắn hạ thêm 5 chiếc khác.

Hàng chục năm đã trôi qua nhưng ký ức đặc biệt về những lần xuất kích trong tinh thần quyết chiến, quyết thắng, không hề nao núng trước kẻ thù được xem là hùng mạnh nhất thế kỷ vẫn luôn in đậm trong ông.
Còn nhớ, ngày 19/11/1967, khi không quân địch tổ chức cuộc tấn công lớn vào khu vực Hàm Rồng (Thanh Hóa). Dù quân địch có lực lượng đông vượt trội, phi công Vũ Ngọc Đỉnh vẫn bình tĩnh chọn mục tiêu chiến lược, chỉ huy biên đội đánh tan đội hình máy bay F4. Đặc biệt, ông đã bắn rơi chiếc RB-66 – loại máy bay gây nhiễu điện tử hiện đại bậc nhất thời điểm đó. Việc hạ được chiếc RB-66 đã tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tên lửa và pháo cao xạ mặt đất bắn rơi thêm 12 chiếc máy bay địch.
Tiếp đó, vào ngày 12/12/1967, trên bầu trời Phú Thọ, ông dẫn đầu biên đội không chiến, dũng cảm xông vào đội hình 47 chiếc máy bay địch, bắn hạ hai chiếc F-105, góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi cuộc tập kích nhằm vào sân bay Nội Bài .
Tháng 8/1970, phi công Vũ Ngọc Đỉnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Là 1 trong 16 phi công xuất sắc đạt đẳng cấp Aces của Không quân Việt Nam, từ năm 1980 đến 1989, Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chỉ huy - Kỹ thuật Không quân (nay là Trường Sĩ quan Không quân). Trong thời gian công tác, ông được biết đến là người chỉ huy lịch lãm, tài hoa và quyết đoán, sống tình cảm nhưng nghiêm khắc, luôn đặt ra yêu cầu cao đối với cấp dưới. Đây cũng là giai đoạn nhà trường đào tạo được nhiều sĩ quan, phi công ưu tú cho quân đội.
Về đời sống riêng tư, ông được nhiều người ngưỡng mộ khi có cuộc hôn nhân hạnh phúc với NSND Thu Hiền – nữ nghệ sĩ huyền thoại của dòng nhạc đỏ Việt Nam.
Nhắc đến bà, người yêu nhạc nhớ ngay tới những ca khúc "đi cùng năm tháng", gắn liền với hình ảnh người lính và tình yêu sâu nặng với quê hương, đất nước như Bài ca thống nhất, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh, Quảng Bình quê ta ơi, Dáng đứng Bến Tre, Hoa cau vườn trầu, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây… Giọng hát nội lực, cao vút nhưng ngọt ngào, da diết đã giúp bà trở thành tượng đài của dòng nhạc trữ tình cách mạng, đậm chất dân ca Việt Nam.

Nhớ lại những năm tháng sống xa chồng, NSND Thu Hiền từng chia sẻ: "Thời chúng tôi, để có thể liên lạc với nhau chỉ có lá thư. Trong thư, đã là vợ chồng thì sao viết được cảnh yêu đương nữa, nhất là khi tôi hay hát những bài về con người, tình yêu quê hương, đất nước... Mọi tình cảm tôi không thể hiện bằng lời mà qua những ca khúc, những giai điệu mà tôi đã từng biểu diễn".
Nữ nghệ sĩ cho biết, bà may mắn khi được chồng ủng hộ, tôn trọng công việc: "Ông xã hơn tôi 12 tuổi và giờ cũng đã nghỉ hưu nên chỉ ở nhà, chính vì vậy ông ấy rất thông cảm cho vợ. Khi tôi đi diễn, ở nhà cũng có người chăm sóc ông. Khi nào tôi về thì hai vợ chồng lại tâm sự cùng nhau."
Hiện tại, vợ chồng Đại tá Vũ Ngọc Đỉnh sống tại một chung cư ở TP. Hồ Chí Minh, giản dị và kín đáo. Các con tuy không ở cùng nhưng thường xuyên qua thăm nom, chăm sóc bố mẹ. Thỉnh thoảng, cả gia đình lại cùng nhau tham gia hoạt động thiện nguyện, sẻ chia với những mảnh đời khó khăn.