Xã hội

Từ 1/5, trẻ em miền núi, học sinh dân tộc thiểu số được hưởng thêm nhiều chính sách hỗ trợ mới

Linh Chi 01/05/2025 13:02

Chính sách này nhằm giúp trẻ em và học sinh tại các khu vực khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.

Từ ngày 1/5/2025, Nghị định số 66/2025/NĐ-CP do Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực, mang đến nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho trẻ em và học sinh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang, ven biển, hải đảo, cũng như các cơ sở giáo dục có học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách.

Một trong những điểm mới nổi bật của nghị định là việc mở rộng phạm vi hỗ trợ, bổ sung trẻ em nhà trẻ bán trú (từ 3 tháng đến dưới 3 tuổi) vào nhóm được nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Từ 1/5, trẻ em miền núi, học sinh dân tộc thiểu số được hưởng thêm nhiều chính sách hỗ trợ mới - ảnh 1
Chính sách này nhằm giúp trẻ em và học sinh tại các khu vực khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Ảnh: Báo Dân tộc

Cụ thể, trẻ em nhà trẻ bán trú sẽ được trợ cấp 360.000 đồng mỗi tháng để hỗ trợ bữa ăn trưa, với thời gian hỗ trợ tối đa là 9 tháng trong một năm học. Đồng thời, các cơ sở giáo dục mầm non có trẻ em thuộc nhóm này cũng sẽ nhận được 700.000 đồng mỗi tháng cho mỗi nhóm trẻ để phục vụ công tác quản lý buổi trưa, áp dụng tối đa trong 9 tháng/năm học.

Ngoài ra, mỗi tháng, học sinh được nhận 15 kg gạo trong tối đa 9 tháng học. Học sinh dân tộc thiểu số học tiếng Việt trước khi vào lớp 1 được nhận thêm 1 tháng hỗ trợ theo các chính sách nói trên.

Về chính sách khen thưởng cuối năm, học sinh xuất sắc được thưởng 800.000 đồng, học sinh giỏi được 600.000 đồng. Mỗi học sinh được cấp một lần các đồ dùng cá nhân (chăn, màn…) trị giá 1.080.000 đồng, cùng 2 bộ đồng phục và học phẩm hàng năm với giá trị tương đương.

Học sinh dân tộc nội trú được hỗ trợ chi phí đi lại dịp Tết và nghỉ hè (2 lượt), trong khi học sinh cuối cấp và học sinh dự bị đại học được hỗ trợ một lần vào dịp Tết. Mỗi học sinh tiếp tục nhận 15 kg gạo mỗi tháng trong tối đa 9 tháng học.

Chính sách này áp dụng với hai nhóm chính:

- Trẻ em, học sinh, học viên:

Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Học sinh bán trú đang theo học tại trường phổ thông.

Học viên bán trú theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT.

Học sinh dân tộc nội trú tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị T78 và Trường Hữu nghị 80.

Học sinh dự bị đại học theo học tại các trường dự bị đại học, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.

- Các cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách:

Trường mầm non công lập có tổ chức ăn, ngủ trưa cho trẻ nhà trẻ bán trú.

Cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức nội trú cho học sinh bán trú.

Trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, các trường đặc thù được giao nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú và dự bị đại học.

Từ 1/5, trẻ em miền núi, học sinh dân tộc thiểu số được hưởng thêm nhiều chính sách hỗ trợ mới - ảnh 2
Ảnh minh họa: Báo Dân tộc

Để hưởng các chính sách hỗ trợ này, trẻ em nhà trẻ bán trú cần đáp ứng một trong các điều kiện như có hộ khẩu tại xã hoặc thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn và đang học tại cơ sở mầm non công lập trong các khu vực ưu tiên theo phân loại của Chính phủ; là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt: thuộc hộ nghèo, không có người nuôi dưỡng, là con của người có công hoặc là trẻ khuyết tật học hòa nhập.

Học sinh bán trú được hỗ trợ nếu nhà ở cách trường từ 4km trở lên (tiểu học), từ 7km trở lên (THCS) hoặc phải đi lại qua địa hình hiểm trở. Đồng thời thuộc các diện dân tộc thiểu số sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số sống tại xã khu vực I, II; người Kinh thuộc hộ nghèo sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Học sinh THPT bán trú phải ở cách trường ít nhất 10km hoặc điều kiện địa hình khó khăn, và thuộc một trong các nhóm: Người dân tộc thiểu số sống tại xã, thôn đặc biệt khó khăn; Người Kinh nghèo ở khu vực đặc biệt khó khăn; Người dân tộc thiểu số nghèo sống tại xã khu vực I, II vùng dân tộc miền núi.

Học viên bán trú tại trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ được hưởng chính sách nếu nhà xa nơi học (ít nhất 7km với bậc THCS, 10km với bậc THPT), địa hình phức tạp và thuộc diện dân tộc thiểu số hoặc người Kinh nghèo tại vùng khó khăn.

* Tổng hợp

>>Từ năm nay, Việt Nam dự kiến đưa tiếng Nhật vào giảng dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12

Sau sáp nhập, Sở Giáo dục và Đào tạo được trao thêm quyền quan trọng

Victoria School định hình tương lai giáo dục toàn diện qua nhạc kịch chuẩn quốc tế

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/tu-15-tre-em-mien-nui-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-duoc-huong-them-nhieu-chinh-sach-ho-tro-moi-141513.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Từ 1/5, trẻ em miền núi, học sinh dân tộc thiểu số được hưởng thêm nhiều chính sách hỗ trợ mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH