Nhà tình báo huyền thoại của Việt Nam, nỗi ám ảnh của địch: Chỉ huy 'Đơn vị 10 năm bám trụ Củ Chi', được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân
Ông là một trong những Cụm trưởng tình báo tiêu biểu và xuất sắc nhất của ngành tình báo Việt Nam.
Đại tá tình báo, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bí danh Tư Cang, sinh năm 1928, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H.63) là một nhân vật lừng lẫy trong giới tình báo Việt Nam, từng có những năm tháng sống trong “hai thế giới đối lập”.

Người chỉ huy Cụm tình báo H.63 huyền thoại
Quay về đầu thập niên 1940, cậu học sinh Nguyễn Văn Tàu từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên Sài Gòn thi vào trường cấp 3 Petrus Ký (nay là Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong), đạt thành tích cao. Tuy nhiên, chiến tranh bùng nổ khiến việc học của ông bị gián đoạn.
Năm 1945, ông trở về quê ở Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu), tham gia phong trào Thanh niên Tiền Phong, cầm cành tầm vông vót nhọn đấu tranh giành chính quyền. Năm 1946, ông kết hôn với bà Ngọc Ảnh - người cùng quê, kém ông một tuổi.
Khi vợ đang mang thai vài tháng, ông thoát ly theo Việt Minh. Cả hai khi ấy không ngờ cuộc chia xa kéo dài suốt 28 năm, đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Từ năm 1947 đến 1954, ông hoạt động trong lực lượng quân báo của Việt Minh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, lấy tên mới là Trần Văn Quang, giữ chức Trung đội trưởng trinh sát, sau đó là Chính trị viên Đại đội Thông tin thuộc Sư đoàn 338.
Năm 1961, ông trở lại chiến trường miền Nam. Trong thập niên 1960, cái tên Tư Cang trở thành nỗi ám ảnh với giới chức Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Tuy nhiên, trong hồ sơ mật, thông tin về ông chỉ là những dòng mô tả mơ hồ: “Tư Cang - Phó Chính ủy tình báo miền Nam, người trắng, cao, bắn súng bằng hai tay. Quê quán: Chưa xác định. Gia đình: Chưa xác định...”

Suốt hơn 10 năm (1962-1972), ông chỉ huy Cụm H.63 - mạng lưới tình báo chiến lược được đánh giá là một trong những đơn vị hiệu quả nhất, cung cấp nhiều tin tức quan trọng góp phần vào công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Năm 1971, Cụm H.63 được tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân. Cùng Tư Cang là những điệp viên lừng danh như Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn ), Tám Thảo (Nguyễn Thị Mỹ Nhung) và cô giao liên Nguyễn Thị Ba. Ngoài lá cờ Anh hùng, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam còn tặng thêm lá cờ thêu dòng chữ “Đơn vị 10 năm bám trụ Củ Chi ”.
Sau thời gian hoạt động, các thành viên trong H.63 lần lượt được rút lui. Giữa năm 1973, cấp trên rút Tư Cang về làm Phó Chính ủy Phòng Tình báo miền, sau đó cử ông ra Hà Nội học chính trị.
Trong cuốn Nước mắt ngày gặp mặt, ông kể lại cảm xúc khi nhận chỉ thị trở về chiến trường: “Người tôi lâng lâng như trong một giấc mơ đẹp”.
Lần trở về này, ông không còn là sĩ quan tình báo thu thập tin địch, mà là người chỉ huy đơn vị tác chiến - những đồng chí mà ông từng mến phục. Ông được giao làm Chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động 316, nhận nhiệm vụ chiếm giữ cầu Rạch Chiếc để tạo điều kiện cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Đêm 29/4/1975, các ngả đường tiến về thành phố Sài Gòn sôi động khác thường. Khí thế các cánh quân hừng hực như dòng lũ. Cuộc đấu tranh đi đến những giờ cuối. Thành phố có một đêm không ngủ.
Sáng 30/4/1975, trên cương vị Trung tá Chính ủy Lữ đoàn, ông Tư Cang ngồi đĩnh đạc trên chiếc xe con chiến lợi phẩm, cùng đoàn quân đi đầu tiến vào sào huyệt cuối cùng của đối phương. Ông nhớ như in cảnh người dân tràn ra đường chào đón quân cách mạng, hình ảnh lính ngụy tháo chạy, lột giày, ném nón, cởi bỏ quân phục trong hoảng loạn…
Gần 30 năm chiến đấu xa gia đình
“Êm giặc… Anh lại về với em” - câu nói ông dặn vợ trước ngày khoác ba lô vào rừng làm nhiệm vụ, cuối cùng cũng trở thành hiện thực sau 28 năm, đi qua hai cuộc kháng chiến. Tối 30/4/1975, sau khi tạm hoàn thành nhiệm vụ, ông tranh thủ ghé qua nhà tìm vợ con. Ông kể, bữa cơm lúc nửa đêm ấy - do chính vợ ông nấu là bữa cơm ngon nhất trong đời.
Trên Báo Dân trí, ông kể: “Tôi làm cách mạng từ năm 1947. Khi ấy thoát ly theo Việt Minh, vợ tôi mới mang bầu được vài tháng. Ngày vợ sinh, tôi không có mặt. Con gái lấy chồng, tôi cũng không biết. Sau gần 30 năm chiến đấu biền biệt, trải qua 2 cuộc kháng chiến, che giấu thân phận, cuối cùng tôi cũng được gặp mặt con gái và cháu ngoại.
Lúc đi là chàng trai 19 tuổi, chưa được bế con gái trên tay, lúc về thành ông ngoại đầu điểm bạc, có cháu 3 tuổi bập bẹ ra chào người ông bộ đội”.

Sau ngày hòa bình lập lại năm 1975, trước yêu cầu sắp xếp lại lực lượng, Lữ đoàn 316 được tổ chức lại thành Trung đoàn. Ông Tư Cang tiếp tục cùng đơn vị đóng quân ở biên giới Bình Long (nay là Bình Phước).

Đầu năm 1976, lần đầu tiên sau gần 30 năm, ông đón Tết trọn vẹn bên gia đình, quây quần bên mâm cơm giao thừa với thịt kho tàu, bánh tét, củ kiệu muối - những hương vị mà ông chưa từng có trọn vẹn trong suốt thời chiến. Từ khi nghỉ hưu năm 1980, ông mới có thời gian bên gia đình, bù đắp những năm tháng thiệt thòi, sống đời điền viên thanh thản.
Sau này, những câu chuyện trong thời kỳ hoạt động được ông viết lại thành sách. Từ Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968, Nước mắt ngày gặp mặt, Trái tim người lính, Tình báo kể chuyện… mỗi trang viết đều là những ký ức sống động, cảm xúc chân thực về đồng đội, nhiệm vụ và gia đình thân yêu.

Năm 2006, Đại tá Nguyễn Văn Tàu được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, trở thành một trong những Cụm trưởng tình báo tiêu biểu và xuất sắc nhất trong lịch sử ngành tình báo Việt Nam.