Ông Tập Cận Bình gặp Jack Ma và giới tài phiệt Trung Quốc: Khôi phục niềm tin, hứa mở lối thoát cho doanh nghiệp tư nhân
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ Jack Ma và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác, thể hiện sự ủng hộ đối với khu vực tư nhân – lực lượng then chốt cho sự phục hồi kinh tế Trung Quốc.
Trong một động thái đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp với nhiều doanh nhân hàng đầu của quốc gia này vào ngày 17/2, trong đó có nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma. Sự kiện được xem như tín hiệu mạnh mẽ về việc Bắc Kinh đang tìm cách phục hồi niềm tin của khu vực tư nhân - lực lượng then chốt trong nỗ lực tái thiết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Danh sách khách mời ấn tượng bao gồm những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong làng công nghệ Trung Quốc  như Wang Xing của Meituan, Lei Jun của Xiaomi, cùng với Ren Zhengfei (Nhậm Chính Phi) - nhà sáng lập Huawei. Đáng chú ý còn có sự hiện diện của các lãnh đạo trong lĩnh vực AI và robot như Wang Xingxing từ Unitree và Liang Wenfeng của DeepSeek.

Những cam kết của ông Tập
Phát biểu tại cuộc họp, ông Tập nhấn mạnh cam kết tạo môi trường kinh doanh công bằng hơn cho khu vực tư nhân. Người đứng đầu Trung Quốc hứa hẹn sẽ dỡ bỏ các khoản phí bất hợp lý và xóa bỏ rào cản đối với doanh nghiệp tư nhân. "Cần phải kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản đối với việc sử dụng bình đẳng các yếu tố sản xuất và tham gia công bằng vào cạnh tranh thị trường", trích dẫn từ Tân Hoa Xã.
Giới chuyên gia đánh giá cao ý nghĩa của cuộc gặp. "Đây là tín hiệu mạnh nhất mà Trung Quốc có thể đưa ra để thúc đẩy lòng tin xã hội", You Chuanman, giảng viên cao cấp tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore nhận định.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc phản ứng thận trọng trước thông tin này. Theo Shen Meng, Giám đốc Chanson & Co., hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ mới sẽ cần thời gian để đánh giá.
Sự xuất hiện của Jack Ma tại cuộc gặp đánh dấu bước ngoặt đáng chú ý trong mối quan hệ giữa Bắc Kinh và khu vực tư nhân. Nhà đồng sáng lập Alibaba từng là biểu tượng cho làn sóng kiểm soát mạnh tay của chính quyền đối với lĩnh vực công nghệ vào năm 2020, khi IPO của Ant Group bị đình chỉ đột ngột.
Sự kiện này khởi đầu cho chiến dịch siết chặt quản lý khu vực tư nhân, nhằm định hướng lại nguồn lực theo các ưu tiên quốc gia về an ninh và tự chủ công nghệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện tại, Bắc Kinh đang thể hiện thái độ cởi mở hơn với doanh nghiệp tư nhân. Đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Alibaba đã chứng tỏ vai trò quan trọng với mô hình AI Qwen đạt hiệu suất ấn tượng. Việc Apple tích hợp công nghệ AI của Alibaba vào iPhone tại thị trường Trung Quốc càng khẳng định thêm năng lực của công ty và triển vọng của ngành tại quốc gia tỷ dân.
Theo chuyên gia You, đây không phải là sự thay đổi hoàn toàn trong chính sách, mà là sự điều chỉnh từ quản lý nghiêm ngặt sang khuyến khích phát triển. "Chúng ta đang chứng kiến sự chuyển biến dần dần trong thái độ của Bắc Kinh: từ khoan dung đến cải thiện và khuyến khích", ông nhận định.
Tuy nhiên, mức độ thay đổi trong chính sách đối với khu vực tư nhân vẫn là một vấn đề chưa được đánh giá chắc chắn. Dù sự ủng hộ của Chủ tịch Tập có thể tạo động lực cho thị trường chứng khoán, tác động thực sự sẽ phụ thuộc vào các biện pháp chính sách cụ thể trong thời gian tới.

Jack Ma trở lại
Hành trình của Jack Ma cũng đại diện cho những thăng trầm của khu vực tư nhân Trung Quốc. Từ một giáo viên tiếng Anh, ông đã xây dựng Alibaba thành tập đoàn công nghệ hàng đầu, vượt qua cả những đối thủ quốc tế như eBay.
Mối quan hệ giữa tỷ phú Jack Ma và lãnh đạo cao nhất Trung Quốc cũng trải qua nhiều giai đoạn - từ cuộc gặp thân mật năm 2015 với Chủ tịch Tập tại hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp Mỹ, đến giai đoạn gần như vắng bóng khỏi công chúng sau năm 2020.
Bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Jack Ma và chính quyền xảy ra vào năm 2020, khi nhà sáng lập Alibaba có bài phát biểu gây tranh cãi tại một hội nghị ở Thượng Hải. Những lời chỉ trích của ông về hệ thống tài chính nhà nước và cơ quan quản lý đã khiến lãnh đạo cấp cao tại Bắc Kinh phản ứng mạnh. Hậu quả là đợt IPO kỷ lục của Ant Group bị đình chỉ đột ngột, mở đầu cho giai đoạn giám sát chặt chẽ toàn bộ đế chế kinh doanh của Ma.

Sau sự kiện này, nhà sáng lập Alibaba  - từng là doanh nhân có ảnh hưởng bậc nhất Trung Quốc - gần như vắng bóng hoàn toàn khỏi công chúng. Mãi đến năm 2023, ông mới bắt đầu tái xuất một cách thận trọng, với một số chuyến thăm khuôn viên Alibaba và vài lần tương tác trên diễn đàn nội bộ của công ty.
Cuộc gặp mới đây với Chủ tịch Tập được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng mới cho Alibaba. Công ty này đã trải qua một năm 2023 đầy biến động, khi kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn bị đảo ngược và nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt được thay đổi.
Dưới sự điều hành của Joe Tsai và Eddie Wu - hai cộng sự lâu năm của Ma - Alibaba đã đặt cược mạnh mẽ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo trong năm 2024. Chiến lược này đã mang lại kết quả tích cực, giúp giá trị vốn hóa thị trường của công ty tăng hơn 90 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Tham khảo Financial Times, New York Times