Ông Trump trở lại Đồi Capital, mang tới ý tưởng sẽ đảo lộn hoàn toàn kinh tế Mỹ
Ông Trump đã có một ngày hết sức bận rộn ở Washington. Gần như chắc chắn sẽ trở thành ứng viên đại diện cho đảng Cộng hòa, ông tận dụng từng phút để thuyết phục những CEO hàng đầu nước Mỹ cũng như các nhà làm luật.
"Nước Mỹ đang xuống dốc"
Trong 1 ngày trọn vẹn, Donald Trump  dường như đã quay trở lại quãng thời gian ngồi trong Nhà Trắng.
Cựu Tổng thống gặp gỡ các nhà làm luật của GOP, nói chuyện và bắt tay với lãnh đạo đảng sau nhiều năm xa cách và được hoan nghênh nhiệt liệt trong cuộc họp. Ông cũng có cơ hội gặp nhiều lãnh đạo ngân hàng và doanh nghiệp, đưa ra ý kiến về những chính sách sát sườn với họ. Bên cạnh đó, ông Trump không quên chỉ trích đối thủ - Tổng thống đương nhiệm Joe Biden , người đang ở cách đó 4.700 dặm để tham dự hội nghị với các đồng minh phương Tây tại Italy.
“Nước Mỹ đang xuống dốc và bị cả thế giới cười nhạo”, ông tuyên bố. “Chúng ta sẽ lật ngược điều đó một cách nhanh chóng. Kết quả thăm dò rất tốt”.
Ông Trump ngày trở lại Đồi Capitol. Ảnh: AP. |
4 năm sau khi ông Trump rời Nhà Trắng, dường như bầu không khí sôi nổi và có phần khoa trương đang quay trở lại Washington. Ông Biden cam kết với cử tri sẽ đưa thủ đô nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường và ông đã làm được điều đó, nhưng cũng đi kèm với sự yên ắng quá mức.
Trong khi ông Biden đang tận hưởng một kỳ hội nghị G7 thành công, chiến dịch tái tranh cử của ông ở quê nhà lại đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng. Nhiều cuộc thăm dò ở cả cấp quốc gia và cấp bang cho thấy ông Trump đang dẫn trước dù không quá nhiều.
Đây là lần đầu tiên ông Trump quay trở lại Capitol Hill kể từ vụ bạo loạn ngày 6/1/2021. Gần hơn, ông vừa bị tòa án Manhattan tuyên 34 tội danh liên quan đến việc chi tiền bịt miệng một ngôi sao khiêu dâm.
Bà Nancy Pelosi, cựu phát ngôn viên của Nhà Trắng, mỉa mai rằng Donald Trump tới Capitol Hill ngày hôm nay để khiến mọi thứ hỗn loạn một lần nữa. Sẽ có không ít người của đảng Cộng hòa đồng tình với nhận định đó, nhưng cũng có nhiều người đã quay ngoắt thái độ như Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.
Lấy thuế quan để nuôi ngân sách
Để thuyết phục họ, ông Trump mang tới nhiều ý tưởng. Trong phiên họp buổi sáng, ông đưa ra khái niệm hệ thống thu ngân sách liên bang bao phủ mọi loại thuế, đủ lớn để thay thế thuế thu nhập. Còn buổi chiều, ông thể hiện sự ủng hộ biện pháp tăng mạnh thuế nhập khẩu để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa.
Theo ông Trump, sau khi tăng thuế nhập khẩu, nguồn thu từ các đối tác thương mại sẽ giúp bù đắp lại khoảng trống ngân sách mà việc giảm thuế thu nhập cá nhân tạo ra. Các đợt giảm thuế mà ông đưa ra từ năm 2017 sẽ hết hạn vào năm 2025. Nếu Trump đắc cử, chắc chắn ông sẽ gia hạn chúng.
Giới phân tích cho rằng làm như vậy sẽ khiến nền kinh tế Mỹ cũng như thương mại toàn cầu thêm bấp bênh. Trong năm 2023, thuế nhập khẩu chỉ mang lại 80 tỷ USD cho ngân sách Liên bang, quá nhỏ so với con số 2.600 tỷ USD thu được từ thuế thu nhập đánh vào các doanh nghiệp và cá nhân.
Hơn nữa, theo tờ Wall Street Journal, cách tiếp cận ngân sách hoàn toàn phụ thuộc vào thuế quan như vậy sẽ đảo ngược chính sách thương mại tự do mà Mỹ đã duy trì suốt hơn 100 năm nay. Đó là chính sách kinh tế khuyến khích thương mại tự do và yêu cầu người giàu phải nộp thuế nhiều hơn người lao động bình dân. Không chỉ vậy, thuế nhập khẩu còn khiến tất cả người tiêu dùng phải gánh thêm chi phí.
Tuy nhiên đó không phải là suy nghĩ của những người vừa nồng nhiệt chào đón ông Trump.
Ông Trump được các nghị sĩ chào đón nhiệt liệt |
Tổng thống thứ 47?
Trong một buổi phỏng vấn ngay tại căn biệt thự trị giá 110 triệu USD ở Palm Beach, tỷ phú John Paulson đã được hỏi tại sao ông lại đứng ra tổ chức buổi gây quỹ cho cựu Tổng thống Donald Trump, ủng hộ ông quay trở lại Nhà Trắng. Lý do mà Paulson đưa ra rất đơn giản: ông Trump đã làm rất tốt trong nhiệm kỳ của mình.
“Tôi nghĩ trước khi đại dịch Covid-19 ập tới, có lẽ kinh tế Mỹ đang ở trong trạng thái tốt nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục. Sản xuất nội địa tăng trưởng tốt, thâm hụt ngân sách đang giảm và mọi tầng lớp từ người giàu đến người nghèo đều có thể cảm nhận được những lợi ích kinh tế mà chính sách điều hành mang lại”.
Nhận định của Paulson – người nổi tiếng với quỹ đầu cơ đặt cược chống lại thị trường nhà đất Mỹ và đã kiếm bộn trong khủng hoảng tài chính 2008 – không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, có lẽ gần đây ngày càng có nhiều tỷ phú chung suy nghĩ với ông. Có thể kể đến những cái tên như Steve Schwarzman (nhà sáng lập quỹ đầu tư Blackstone, người đang sở hữu 41 tỷ USD và lọt top 40 người giàu nhất thế giới), Ken Griffin (nhà sáng lập quỹ Citadel), nhà đồng sáng lập Bernie Marcus của chuỗi siêu thị nổi tiếng Home Depot và nhiều CEO khác.
Không “nói quá” như Paulson khi miêu tả nền kinh tế và thị trường tài chính dưới thời ông Trump, các tỷ phú khác đề cập nhiều tới 2 lợi ích sát sườn của họ: mức thuế suất và các quy định quản lý. Đạo luật Cắt giảm thuế và Hỗ trợ việc làm được thông qua năm 2017 - vẫn bị chỉ trích là làm lợi cho giới nhà giàu và các doanh nghiệp lớn trong khi làm thâm hụt ngân sách tăng vọt – sẽ đáo hạn vào năm 2025. Ai chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới sẽ phải quyết định có nên gia hạn đạo luật này hay không.
14/6 là sinh nhật lần thứ 78 của ông Trump. Do đó, quay trở lại Đồi Capitol lần này, ông đã được các Thượng nghị sĩ và nhóm CEO tổ chức tiệc sinh nhật. Họ mang tới chiếc bánh sinh nhật với 2 chiếc nến số 45 và 47, ẩn ý ông Trump đã là Tổng thống thứ 45 và sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
>> Bất ngờ 'gió đã đổi chiều': Ông Donald Trump thắng lớn ở thành trì của Đảng Dân chủ