OPEC+ bất ngờ tăng mạnh sản lượng dầu giữa lúc giá giảm và thị trường bị ảnh hưởng bởi thuế quan
OPEC+ đã chọn đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng, với mức tăng mới lên tới 411.000 thùng/ngày.
Trong bối cảnh giá dầu liên tục lao dốc do loạt thuế quan gây sốc từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, OPEC+ đã khiến thị trường ngỡ ngàng khi quyết định không chỉ duy trì kế hoạch tăng sản lượng mà còn gần như tăng gấp ba mức dự kiến ban đầu.
Quyết định này kéo theo sự sụt giảm hơn 6% của giá dầu toàn cầu, trong khi giới phân tích tiếp tục cắt giảm dự báo giá dầu và gia tăng cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá dầu giảm, dự báo tiêu cực gia tăng
Chính sách thuế mới của Mỹ đã làm gia tăng lo ngại về chiến tranh thương mại và tăng trưởng chậm lại trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Goldman Sachs hôm thứ Năm đã hạ dự báo giá dầu Brent và WTI vào cuối năm 2025 xuống còn 66 USD và 62 USD/thùng, giảm 5 USD so với dự báo trước đó.
Ngân hàng này cho biết hai yếu tố chính dẫn đến điều chỉnh là leo thang thuế quan và nguồn cung dầu từ OPEC+ gia tăng. Goldman cũng ngừng cung cấp khoảng dự báo giá trong năm 2025 và 2026, với lý do biến động giá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do rủi ro suy thoái gia tăng.
S&P Global Market Intelligence cho rằng trong kịch bản xấu nhất, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu có thể giảm tới 500.000 thùng/ngày.
JPMorgan cũng nâng khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu trong năm nay lên 60%, từ mức 40% trước đó.
![]() |
OPEC+ khẳng định họ vẫn linh hoạt để điều chỉnh hàng tháng, tùy theo biến động thực tế của thị trường. Ảnh minh hoạ |
>> Thêm một 'át chủ bài' nông sản Việt so kè với Thái Lan tại thị trường tỷ đô
OPEC+ bất ngờ tăng gần gấp ba mức sản lượng dự kiến
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, OPEC+, chiếm khoảng 40% sản lượng dầu thô toàn cầu, đã chọn đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng, với mức tăng mới lên tới 411.000 thùng/ngày. Tám thành viên chính gồm Ả Rập Xê Út, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman đã cùng đồng thuận về quyết định này. Trước đó, thị trường chỉ kỳ vọng mức tăng gần 140.000 thùng/ngày trong tháng tới. Động thái này được nhóm OPEC+ lý giải là nhằm phản ánh "các yếu tố thị trường tích cực" và "tạo điều kiện để các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc bù đắp sản lượng đã cắt giảm trước đó". Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng việc tăng sản lượng có thể được điều chỉnh hoặc đảo ngược tùy theo tình hình thị trường.
Ngoài triển vọng nhu cầu được đánh giá là khả quan trong nửa cuối năm, một động cơ khác đằng sau quyết định bất ngờ này là yếu tố chính trị.
“Phần nào đây là nỗ lực làm hài lòng Tổng thống Trump”, ông Saul Kavonic, Trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng tại MST Marquee. Ông Trump muốn OPEC tăng sản lượng để giảm giá dầu, qua đó hạn chế tác động lạm phát từ các chính sách thuế.” Mặc dù các quan chức OPEC phủ nhận việc chiều lòng chính trị, giới phân tích vẫn cho rằng quyết định này phần nào nhằm đáp ứng sức ép từ Nhà Trắng, đặc biệt khi ông Trump đã nhiều lần yêu cầu OPEC hạ giá dầu để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, quyết định tăng sản lượng cũng được cho là nhằm cảnh báo các quốc gia như Kazakhstan, Iraq và Nga – những nước bị cho là thường xuyên sản xuất vượt hạn ngạch.
“OPEC muốn gửi tín hiệu cảnh báo tới những thành viên đang vi phạm quy định hạn ngạch”, bà Helima Croft, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu tại RBC Capital Markets, nhận định. Bà nhắc lại cuộc chiến giá dầu năm 2020, khi Ả Rập Xê Út đã bơm ồ ạt ra thị trường để buộc Nga quay lại bàn đàm phán, khiến giá dầu Brent khi đó lao dốc xuống 15 USD/thùng.
Một lý do khác được đưa ra là OPEC+ muốn mở rộng thị phần, bất chấp việc làm như vậy có thể ảnh hưởng tới giá bán. “Họ đang muốn giành thêm thị phần, và điều đó sẽ khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ không hài lòng”, ông Kavonic nói thêm.
Theo ông Nader Itayim, biên tập viên tại Argus Media, OPEC+ tin rằng nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại vào mùa hè, đồng thời hy vọng căng thẳng thương mại sẽ hạ nhiệt trong vài tháng tới. “Các nước thành viên dường như khá thoải mái với mức giá dầu quanh 70–75 USD/thùng,” ông nói. Tuy nhiên, nếu giá tiếp tục trượt xuống vùng 60 USD/thùng, OPEC+ có thể phải tạm dừng hoặc đảo ngược kế hoạch tăng sản lượng, dù điều này có thể vấp phải sự phản đối từ các nước đang muốn tăng thu ngân sách như Iraq và Kazakhstan. Dù vậy, OPEC+ khẳng định họ vẫn linh hoạt để điều chỉnh hàng tháng, tùy theo biến động thực tế của thị trường. “Nếu mọi việc không như kỳ vọng, chỉ cần một cuộc điện thoại là mọi thứ có thể thay đổi”, Itayim kết luận.
>> Mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ mang về 200 triệu USD cho Việt Nam trong quý I
Diễn biến mới tác động tới thị trường dầu mỏ: Mỹ hủy bỏ giấy phép thanh toán dầu từ PDVSA
Phát hiện 'kho báu' nhiên liệu sạch khổng lồ dưới lòng núi, thay thế cho dầu mỏ và khí đốt