Vĩ mô

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: 'Cần đặc biệt chú trọng việc chủ động kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm'

Khúc Văn 05/07/2024 12:26

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất kể từ năm 2021.

Lạm phát toàn cầu ở mức tương đối cao

Theo số liệu mới vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II/2024 và tăng 4,08% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Các con số nêu trên đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.

Ảnh minh họa
một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất kể từ năm 2021. Trong khi đó, chỉ số lạm phát cơ bản chỉ tăng 2,75%.

“Trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn ở mức cao, nền kinh tế thế giới còn nhiều biến động và giá cả nhiều mặt hàng có xu hướng tăng cao thì việc chủ động kiềm chế lạm phát trong các tháng cuối năm cần được chú trọng”, ông Thịnh nêu.

Ông Thịnh cho rằng năm 2024, có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam 6 tháng cuối năm. Theo đó, lạm phát toàn cầu đã có xu hướng giảm thấp, nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao, dự báo khoảng 5,8%, có thể làm nền kinh tế Việt Nam nhập khẩu lạm phát. Ví dụ, lạm phát của Mỹ tháng 5/2024 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, những cú sốc về nguồn cung có thể làm tăng giá hàng hóa; gián đoạn nguồn cung dầu và các nguyên liệu do xáo trộn địa chính trị trên Biển Đỏ và cuộc chiến Nga - Ukraine có thể tác động dai dẳng đến thị trường toàn cầu.

Giá năng lượng cao hơn sẽ chuyển sang giá tiêu dùng và làm kỳ vọng lạm phát tăng lên. Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm tới 37% cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào rất lớn”, ông Thịnh nói.

Thêm nữa, theo chuyên gia, hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng tiếp tục tăng; giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ… cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Đáng chú ý, Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP tăng 6% lương tối thiểu tháng và giờ sẽ là nhân tố gây sức ép tăng cung tiền và tăng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024.

>>CPI tăng 4 tháng liên tiếp, Trung Quốc đã vượt qua nỗi lo giảm phát?

Lương chỉ tăng ở khu vực công, nên áp lực không đáng kể

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2024, thời gian tới, do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp... tiếp tục làm gia tăng áp lực đối với công tác quản lý, điều hành giá trong 6 tháng cuối năm 2024.

CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước
Lương chỉ tăng ở khu vực công, nên áp lực không đáng kể.

Đến thời điểm hiện tại, với các chỉ số tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% và quý II đạt 6,93%, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh dự báo: Nếu giá dầu thô, nguyên vật liệu giao động ở mức như hiện nay hoặc thấp hơn, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt mức 6,8% - 7,3%... thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8 - 4,1%.

Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, nhận định 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2024 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tuy nhiên, theo ông Minh, áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. "Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2024 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi"- PGS-TS Nguyễn Bá Minh dự báo.

Để ổn định giá cả thị trường, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt trước thông tin về chủ trương cải cách tiền lương, bà Vũ Hương Trà, Phó trưởng phòng Phòng chính sách tổng hợp (Cục Quản lý giá), cho biết cơ quan điều hành điều hành giá sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời.

Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

>>CPI tăng bình quân 4,03% trong 5 tháng đầu năm

Chuyên gia: Khả năng lạm phát tăng mạnh trong năm nay là khó xảy ra

Tăng lương cơ sở, liệu có tăng lạm phát?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pgs-ts-dinh-trong-thinh-can-dac-biet-chu-trong-viec-chu-dong-kiem-che-lam-phat-trong-nhung-thang-cuoi-nam-241054.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: 'Cần đặc biệt chú trọng việc chủ động kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm'
    POWERED BY ONECMS & INTECH