‘Pháo đài cát’ 32km nằm sâu dưới lòng đất của Việt Nam: 1 trong 3 hệ thống địa đạo lớn nhất, nơi ngôi đình 300 tuổi bị 4 xe tăng kéo không đổ
Công trình quân sự đặc biệt này đã khắc họa tinh thần bất khuất và sự sáng tạo vượt bậc của quân dân địa phương trong những năm tháng chiến tranh.
Địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) là một công trình quân sự ngầm quy mô lớn, được ví như “pháo đài cát” kiên cố của miền Trung. Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là căn cứ trú ẩn, chiến đấu và hậu cần trọng yếu, gắn liền với nhiều chiến công oanh liệt của quân dân Quảng Nam.

Với chiều dài xấp xỉ 32km, địa đạo Kỳ Anh là một trong ba hệ thống địa đạo lớn nhất Việt Nam, chỉ sau Củ Chi và Vịnh Mốc. Công trình bắt đầu được đào từ tháng 5/1965, giữa thời điểm chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt, và hoàn thành cơ bản vào năm 1967.

Hệ thống hầm nằm sâu khoảng 1,6m dưới mặt đất, rộng từ 0,5-0,8m và cao 0,8-1m, khiến người lớn buộc phải cúi thấp người hoặc bò mới có thể di chuyển bên trong. Theo báo Pháp luật Việt Nam, địa đạo có cấu trúc dạng ô bàn cờ với nhiều ngõ ngách quanh co, trải rộng khắp hai thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình.
Nhiều nhánh hầm xuyên qua giếng nước, bếp lửa, nền nhà dân, tạo lối thoát hiểm ngay trong lòng làng. Các cửa hầm được ngụy trang tinh vi dưới ụ rơm, chuồng bò, bụi tre hay mương vườn - những nơi tưởng chừng vô hại. Nhờ thông thạo địa hình, quân dân Kỳ Anh có thể ra vào địa đạo an toàn ngay cả khi nằm giữa vòng vây của địch.

Được đào trên nền cát trắng ven biển, địa đạo Kỳ Anh đòi hỏi kỹ thuật thi công đặc biệt. Để tránh sụt lở, người dân phải đào sâu tới lớp đất sét và đất kết von (đá ong) bên dưới lớp cát tơi. Toàn bộ quá trình thi công được tiến hành vào ban đêm, hoàn toàn bằng thủ công, với sự góp sức của bộ đội địa phương, du kích, nông dân, phụ nữ và thanh thiếu niên trong xã.
Họ chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và những chiếc thúng, mủng để múc và vận chuyển đất. Trong gian khó, người dân Kỳ Anh vẫn âm thầm mở rộng từng nhánh hầm, tạo nên một “trận đồ ngầm” kiên cố giữa lòng đất quê hương.
Bên trong địa đạo được phân chia rõ ràng theo chức năng: hầm chỉ huy, hầm cứu thương, hầm tác chiến, kho lương thực, kho vũ khí và trạm thông tin bí mật. Trung tâm hệ thống là hầm chỉ huy nằm dưới đình làng Thạch Tân – công trình kiên cố với kết cấu bê tông chắc chắn. Các hầm cứu thương được thiết kế đủ rộng để tiếp nhận và điều trị thương binh trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt.


Nhờ hệ thống đường hầm thông nhau cùng nhiều “cửa thắt eo” và nắp hầm ngụy trang bằng đá ong, du kích Kỳ Anh có thể linh hoạt ẩn nấp và bảo toàn lực lượng. Nếu một đoạn hầm bị lộ, họ nhanh chóng bịt kín để bảo vệ phần còn lại. Thiết kế nhiều lớp này cũng giúp chống khí độc, tăng khả năng phòng vệ khi bị vây ráp.

Đình làng Thạch Tân giữ vai trò trung tâm - là “huyết mạch” của toàn bộ địa đạo. Bên dưới nền đình là hầm chứa lương thực, thuốc men và khu sơ cứu thương bệnh binh giữa bom đạn. Tương truyền, địch từng điều hai xe bọc thép và bốn xe tăng với ý đồ san bằng ngôi đình, nhưng các cột trụ vẫn đứng vững, như chính tinh thần bất khuất của người dân nơi đây. Từ hầm dưới đình, một đường ngầm dẫn ra miệng hầm Mương Làng nối với bờ sông Đầm - lối thoát sinh tử trong những thời khắc hiểm nguy.

Tam Thăng hôm nay không chỉ được biết đến bởi địa đạo huyền thoại, mà còn là vùng đất anh hùng với 237 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.252 liệt sĩ - những người đã cầm súng chiến đấu và anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do Tổ quốc.
Tổng hợp