Phát hiện hố sụt khổng lồ được tìm ra từ 64 năm trước đang ngày càng mở rộng
Được biết, kích thước của hố sụt này đã tăng gấp 3 lần từ năm 1991 đến năm 2018.
Một hố sụt  khổng lồ được người dân địa phương gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như Batagay, Batagaika hoặc thậm chí là "cổng địa ngục" vì vẻ ngoài kỳ bí của nó. Batagay được phát hiện từ năm 1960, và có thể nhìn được từ vũ trụ. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 2018, kích thước của hố sụt đã tăng gấp 3 lần.
Trên thực tế, hố sụt Batagay được đặt theo tên của một thị trấn gần đó. Được biết đến rộng rãi là hố sụt lớn nhất thế giới do băng vĩnh cửu tan chảy, nó đã trở thành một hiện tượng địa chất thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và công chúng trên toàn cầu.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geomorphology vào tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học đã tận dụng công nghệ hiện đại như vệ tinh và máy bay không người lái để tạo ra một mô hình 3D sống động của hố sụt khổng lồ Batagay. Nhờ mô hình này, họ đã có thể tính toán chính xác tốc độ mở rộng đáng kinh ngạc của hố sụt theo thời gian.
Một phát hiện đáng kinh ngạc từ nghiên cứu  về hố sụt Batagay cho thấy lượng băng và đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy tại đây tương đương với khối lượng của khoảng 14 kim tự tháp Giza. Thêm vào đó, thể tích của hố sụt này còn tăng lên đáng kể, ước tính khoảng 1 triệu m3 mỗi năm.
Các nhà khoa học cũng tính toán rằng hố sụt Batagay khổng lồ đang giải phóng một lượng lớn carbon vào khí quyển, ước tính khoảng 4.000 đến 5.000 tấn mỗi năm. Để hình dung rõ hơn về con số này, ta có thể so sánh với lượng khí thải hàng năm của 1.700 đến 2.100 ngôi nhà ở Mỹ khi sử dụng năng lượng.
Alexander Kizyakov - nhà khoa học là tác giả chính của nghiên cứu đã khẳng định: "Những giá trị này thực sự ấn tượng. Kết quả của chúng tôi chứng minh tốc độ phân hủy đất đóng băng vĩnh cửu diễn ra nhanh như thế nào" .