Phát hiện 'kho báu' liên tục trôi dạt vào bờ biển, 2.000 cư dân đổ xô săn tìm, ngôi làng nghèo khó bỗng dưng được 'giải cứu'
Người dân lùng sục từng tấc đất ven bờ, đào bới quanh những chiếc thuyền đánh cá để truy tìm "kho báu".
Theo tờ The New York Times, vào một ngày tháng 9/2020, khi đang đi bộ trở về túp lều nhỏ trên bờ biển  của mình, anh Yolman Lares, một ngư dân sinh sống tại làng Guaca, Venezuela, đã vô tình nhìn thấy một vật lấp lánh. Anh nhẹ nhàng gạt nhẹ lớp cát và kéo lên một chiếc huy chương có hình Đức Mẹ Maria.
Ngôi làng Guaca từng là trung tâm của ngành chế biến cá ở Venezuela, tuy nhiên, cuộc sống ở nơi đây đã trở nên khốn khó khi nhiều nhà máy đóng cửa. Chính vì vậy, phát hiện này chẳng khác nào một phép màu đối với Yolman Lares.
“Tôi bắt đầu run rẩy rồi bật khóc vì vui sướng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có một điều gì đó đặc biệt như vậy xảy ra”, Yolman Lares xúc động chia sẻ.
Khi trở về nhà, Yolman Lares lập tức kể lại câu chuyện của mình với bố vợ, một ngư dân cùng làng. Tin tức về phát hiện bất ngờ này nhanh chóng lan rộng, thu hút sự chú ý của toàn bộ ngôi làng. Chẳng bao lâu, khoảng 2.000 ngư dân đã đổ xô ra bờ biển để săn tìm "kho báu". Họ lùng sục từng tấc đất ven bờ, đào bới quanh những chiếc thuyền đánh cá và thậm chí dựng lều ngủ lại ngay trên bãi biển để bảo vệ khu vực "lãnh địa" của mình.
Người dân trong làng sau đó đã phát hiện hàng trăm món đồ quý giá, bao gồm trang sức bằng vàng, bạc, các món đồ trang trí và cả những thỏi vàng trôi dạt vào bờ biển. Điều kỳ lạ là không ai biết rõ nguồn gốc của những vật báu này hay lý do chúng lại xuất hiện rải rác dọc theo bãi biển ở ngôi làng Guaca.
Chris Corti, một chuyên gia kỹ thuật về chế tác đồ trang sức tại Anh, đã xem xét các bức ảnh chụp một số đồ vật được phát hiện ở Guaca và cho biết chúng có vẻ như được sản xuất thương mại vào giữa thế kỷ XX. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết rằng cần phải phân tích thêm để đưa ra xác định chắc chắn về niên đại và nguồn gốc của những “kho báu” này.
Sau khi phát hiện những món đồ quý giá, người dân làng Guaca đã nhanh chóng mang chúng đi bán để đổi lấy thức ăn. Hernán Frontado, bố vợ của Yolman Lares, người từng rơi vào hoàn cảnh khó khăn đến mức phải cầu xin hàng xóm cho sắn – loại lương thực địa phương rẻ nhất – để nuôi sống gia đình, chia sẻ rằng ông đã bán những món đồ tìm được với giá rẻ hơn so với thị trường. Số tiền thu được giúp ông mua gạo, bột mì và các nhu yếu phẩm khác, cải thiện phần nào cuộc sống thiếu thốn của gia đình.
Trong khi đó, Yolman Lares chia sẻ rằng anh đã kiếm được một khoản tiền từ những món đồ mà anh tìm thấy. Với người đàn ông này, đây chắc chắn là số tiền lớn nhất mà anh từng kiếm được cùng một lúc. Yolman Lares sau đó đã mua một số hàng hóa cơ bản với số lượng lớn để dự trữ cho gia đình. Anh cũng đã mua một ít bánh ngọt cho các con của mình, đây là lần đầu tiên chúng được ăn lại bánh ngọt sau nhiều năm.
Số tiền kiếm được cũng đã giúp gia đình anh có thể quay lại với việc ăn hai bữa một ngày. Kho báu  này không thay đổi cuộc đời của Yolman Lares, tuy nhiên, nó nhắc nhở anh rằng những điều tốt đẹp vẫn có thể xảy ra, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Nhiều tháng sau phát hiện đầu tiên, cư dân ngôi làng Guaca vẫn thỉnh thoảng tìm thấy những món đồ bằng vàng trong cát.