Phát hiện một sinh vật có thể lây bệnh ung thư
Đối với các nhà khoa học, phát hiện này giúp họ hiểu thêm về bệnh ung thư truyền nhiễm và tìm ra phương pháp hiệu quả để đẩy lùi bệnh.
Ung thư  là một căn bệnh phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người. Trên toàn thế giới, các nhà khoa học vẫn không ngừng nỗ lực nghiên cứu các phương pháp chống lại ung thư, nhằm giúp con người bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghiên cứu mới đây về sinh vật thủy tức (Hydra oligactis) đã mang đến một phát hiện đột phá trong lĩnh vực ung thư. Thủy tức là sinh vật sống trong môi trường nước ngọt, thường được sử dụng làm mô hình nghiên cứu trong sinh học do khả năng tái sinh mạnh mẽ. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã hé lộ một khía cạnh hoàn toàn mới về loài sinh vật này.
Các nhà khoa học đã thu thập 50 con thủy tức từ hồ Montaud (Pháp) và nuôi chúng trong phòng thí nghiệm. Sau 2 tháng nhóm nghiên cứu cho thủy tức ăn một lượng lớn ấu trùng tôm ngâm nước muối, cơ thể chúng bắt đầu phồng lên và khối u xuất hiện. Điều đáng chú ý là những khối u này không chỉ xuất hiện ở cá thể ban đầu mà còn có thể lây truyền sang thế hệ con cháu được nhân bản vô tính. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu  để làm rõ cơ chế chính xác của quá trình lây truyền này. Họ dự đoán nó liên quan đến việc truyền các tế bào ung thư qua quá trình phân chia hoặc thông qua một loại vật trung gian nào đó.
Nghiên cứu đã chứng minh một cách rõ ràng rằng khối u có thể xuất hiện tự nhiên và lây lan ở loài thủy tức. Đây là lần đầu tiên giới khoa học quan sát được quá trình tiến hóa của một loại ung thư có khả năng truyền nhiễm, mở ra một hướng đi nghiên cứu hoàn toàn mới.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh quá trình tiến hóa và di truyền. Việc họ tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi ấy có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế hình thành và phát triển của ung thư ở các loài sinh vật, bao gồm cả con người.