Cổ vật được bảo quản một cách đáng kinh ngạc và có vẻ như chưa được sử dụng, dù bề ngoài hiện tại của nó đã cháy thành than.
Các nhà khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra loại bánh mì cổ nhất thế giới , có niên đại hàng nghìn năm tại địa điểm khảo cổ nổi tiếng Catalhoyuk.
Phân tích niên đại hiện vật, các nhà khảo cổ học xác nhận, ổ bánh mì được làm cách đây 8.600 năm, trở thành loại bánh mì lâu đời nhất được biết đến cho đến nay.
Nghiên cứu dưới kính hiển vi về thành phần của nó cho thấy sự hiện diện của lúa mạch, lúa mì và đậu Hà Lan nghiền nát. Điều này đã chứng minh đây là một ổ bánh mì. Nó được bảo quản một cách đáng kinh ngạc và có vẻ như chiếc bánh vẫn chưa được nướng, dù bề ngoài hiện tại của nó đã cháy thành than.
Quan sát hiện vật, nhóm khảo cổ học cho rằng, đây là một khối bột lên men đã bị bỏ đi theo thời gian. Họ thậm chí nhận ra dấu ấn của một ngón tay ở giữa ổ bánh. Dường như người thợ thời đồ đá mới muốn kiểm tra độ nở chính xác của ổ bánh mì.
Được biết, Catalhoyuk nơi tìm thấy ổ bánh mì là địa điểm khảo cổ được phát hiện vào năm 1951. Nơi đây là khu vực bảo tồn phi thường với sự phong phú của các đồ vật từ thời cổ đại như dụng cụ ăn uống, đồ dùng bằng đá, đồ gốm, tượng nhỏ. Đặc biệt là sự xuất hiện tàn tích của nghề dệt may được tìm thấy trong các ngôi nhà thời kỳ đồ đá mới.
Các nhà khoa học cho biết, trong những năm đầu tiên khai quật, hàng dệt may đầu tiên trên thế giới cũng được phát hiện tại Catalhoyuk. Ngành nghề này đã giúp Catalhoyuk phát triển và trở thành đô thị vào cuối thế kỷ thứ 8 TCN với 8.000 người sinh sống.