'Phép màu' Bhutan đang chìm trong khủng hoảng kinh tế: 30% người trẻ thất nghiệp, 1/8 dân số nghèo đói

24-05-2024 20:20|Hoàng Yến

Báo cáo “GNH 2.0” mà Thủ tướng mới đắc cử Tshering Tobgay vừa công bố đã chỉ ra những điểm bất ổn của mô hình mà Bhutan đang theo đuổi.

Lâu nay, triết lý đánh giá mọi thứ trên mức độ hạnh phúc mà nổi tiếng nhất là “Chỉ số hạnh phúc quốc gia – GNH) của đất nước Bhutan vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới thán phục. Tập trung vào GNH thay cho GDP, Bhutan đạt được sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với sức khỏe tinh thần của người dân.

Bhutan nằm sâu trong vùng núi hiểm trở, không có tài nguyên khoáng sản và đến năm 1974 mới mở cửa với thế giới nhưng ở thời kỳ đỉnh cao nước này vẫn đạt GDP bình quân đầu người hơn 5.000 USD, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 - 20% trong thập kỷ trước.

Tuy nhiên, báo cáo “GNH 2.0” mà Thủ tướng mới đắc cử Tshering Tobgay vừa công bố đã chỉ ra những điểm bất ổn của mô hình mà Bhutan đang theo đuổi. Nhận định nền kinh tế Bhutan đang rơi vào khủng hoảng, thậm chí “đang bên bờ sụp đổ”, ông Tobgay cũng đưa ra một số phương hướng mới để vực dậy đất nước.

Khái niệm GNH được giới thiệu bởi cựu Quốc vương Jigme Singye Wangchuck vào đầu những năm 1970 và đã trở thành “kim chỉ nam” cho Bhutan. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến gần 30% và 1/8 dân số sống trong ngưỡng nghèo đói, Bhutan đang đối mặt với câu hỏi quan trọng: cần phải thay đổi như thế nào?

Trả lời phỏng vấn CNBC đầu tháng 5, ông Tobgay cho biết “Bhtuan vẫn phải tăng trưởng kinh tế, nhưng những nguyên lý của GNH sẽ không bị loại bỏ. Chúng tôi có thể tăng trưởng một cách cân bằng”.

'Phép màu' Bhutan đang chìm trong khủng hoảng kinh tế: 30% người trẻ thất nghiệp, 1/8 dân số nghèo đói
Bhutan vẫn được biết đến là đất nước hạnh phúc nhất thế giới

Kinh tế khó đủ đường

Với chưa đến 800.000 dân, kinh tế Bhutan đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đà suy giảm của kinh tế toàn cầu và Đại dịch Covid-19 cùng với sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu 2 năm trước. Năm 2020, GDP của Bhutan giảm hơn 10%. Đến nay nền kinh tế đã phục hồi nhưng vẫn chưa thể đạt được mức trước dịch.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở đây đang phải rất cố gắng để có thể tồn tại. Đồng USD mạnh lên trong khi rupee Ấn Độ (đồng tiền mà đồng nội tệ của Bhutan neo vào) lao dốc càng khiến tình hình lạm phát trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt khi mà nước này phải phụ thuộc vào hàng hóa từ nước ngoài.

Hai ngành đóng góp nhiều nhất là thủy điện và du lịch đều phải dựa vào nguồn doanh thu từ nước ngoài. Bhutan xuất khẩu tới 70% sản lượng thủy điện sang Ấn Độ. Trong khi đó tỷ trọng của ngành sản xuất trong GDP của Bhutan tăng trưởng rất ít ỏi trong hơn 1 thập kỷ qua. Ngành công nghiệp cũng chủ yếu bị chi phối bởi hoạt động xây dựng, khai khoang và điện.

Cấu trúc này khiến nền kinh tế Bhutan đặc biệt nhạy cảm với các cú sốc bên ngoài.

Tìm điểm cân bằng mới

'Phép màu' Bhutan đang chìm trong khủng hoảng kinh tế: 30% người trẻ thất nghiệp, 1/8 dân số nghèo đói
Ở Bhutan vẫn còn nhiều khung cảnh thiên nhiên hoang sơ

Bhutan sẽ tiếp tục củng cố nền kinh tế theo những cách bền vững, công bằng và “cân bằng với tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường, văn hóa và quản trị tốt”. Trong những lĩnh vực này, Bhutan đã đạt được những thành công mà ít ai có thể tưởng tượng ra.

Nhưng ông Tobgay cũng nhận định một số nguyên tắc mà Bhutan áp dụng trong quá khứ bị phiến diện, một chiều. “Chúng tôi đã quá thận trọng và bảo thủ, vì thế bị chậm lại phía sau và thất bại về mặt kinh tế”. Theo ông, ngành du lịch là ví dụ điển hình và hiện giờ Bhutan đang phải trả giá cho sự thận trọng quá mức.

Chính phủ Bhutan quản lý du khách khá chặt chẽ, thường theo lịch trình định sẵn và cũng giới hạn số khách. Dường như nước này muốn tập trung vào những khách giàu có và chất lượng thay vì mở cửa hoàn toàn và đón cả những du khách xô bồ ý thức kém mà họ không quản lý được.

So với các quốc gia châu Á khác, ngành du lịch Bhutan đang hồi phục khá chậm chạp sau khi dịch bệnh kết thúc. Năm 2023, lượng khách quốc tế đến nước này chỉ bằng 1/3 so với năm 2019. Kể từ khi mở cửa trở lại vào tháng 9/2022, Bhutan đã 3 lần thay đổi “phí phát triển bền vững”. Trong đó lần đầu mức phí tăng lên 200 USD/người lớn/ngày nhưng sau đó đã giảm 2 lần.

Hiện mức phí còn 100 USD nhưng ông Tobgay vẫn nói rằng: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ 200 USD/ngày là mức mà nhiều khách du lịch sẽ sẵn sàng tri trả”.

Bhutan vẫn có kế hoạch tập trung vào thu hút thêm khách du lịch nhưng “cùng lúc đó cũng kiểm soát số lượng”. Một ngành du lịch bùng nổ có thể cung cấp rất nhiều việc làm cho người trẻ.

Theo Reuters, hàng nghìn người lao động trẻ của Bhutan đã rời đất nước nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài. Trong 11 tháng tính đến tháng 5/2023, khoảng 1,5% dân số Bhutan chuyển tới Australia để tìm việc và nâng cao tay nghề.

>> Chân dung 'Vua Rồng' lên nắm quyền khi mới 26 tuổi

Siêu cường lung lay: 'Kịch bản kinh tế' tồi tệ nhất có thể sắp 'tấn công' quốc gia mạnh nhất thế giới

Bất chấp ‘bão’ trừng phạt, Nga vẫn lọt top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế kỷ 21

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phep-mau-bhutan-dang-chim-trong-khung-hoang-kinh-te-30-nguoi-tre-that-nghiep-18-dan-so-ngheo-doi-236067.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    'Phép màu' Bhutan đang chìm trong khủng hoảng kinh tế: 30% người trẻ thất nghiệp, 1/8 dân số nghèo đói
    POWERED BY ONECMS & INTECH