Phối cảnh đẹp mắt của quảng trường trăm tỷ, xứng danh 'bộ mặt' mới của tỉnh sắp lên TP trực thuộc Trung ương
Dự án Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh là công trình văn hóa, thể thao thiết yếu của địa phương hiện đang trong quá trình xây dựng.
Dự án Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế  được đầu tư xây dựng trên nền tảng Nhà thi đấu Bà Triệu tại số 1, đường Hà Huy Tập, TP. Huế. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, hiện đã bắt đầu cho triển khai để thi công hạ tầng kỹ thuật.
Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai trên diện tích sử dụng đất 6,5ha. Mục tiêu dự án là phát triển không gian đô thị, kết nối hài hòa về hệ thống kiến trúc cảnh quan, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 196 tỷ đồng. Các hạng mục của công trình gồm khán đài quan khách, cải tạo nhà thi đấu thành công trình văn hóa đa năng, hệ thống nhạc nước nghệ thuật, hệ thống sân nhạc nước và nhiều hạng mục thắp sáng, cây xanh khác.
Dự án dự kiến sẽ triển khai trong vòng 4 năm.
Ngày 29/7, thông tin từ ông Hà Xuân Hậu - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện đơn vị thi công gói thầu số 10: Chi phí xây dựng và thiết bị hạng mục hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án đã cho triển khai dọn dẹp, tạo mặt bằng. Gói thầu do liên danh Thủy Lợi - Thành An - An Bảo (gồm Công ty cổ phần Xây dựng Thủy Lợi Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần Thành An và Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại An Bảo) đảm nhiệm với giá 97,8 tỷ đồng. Gói thầu được khởi công từ ngày 16/7/2024, tiến độ thực hiện là 240 ngày.
>> Nơi sở hữu vịnh biển đẹp nhất thế giới tại Huế được nâng tầm thành Khu du lịch quốc gia 
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Nguyễn Văn Phương từng nhấn mạnh, dự án Quảng trường Văn hóa Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế là rất cần thiết đối với địa phương và đánh giá cao ý tưởng thiết kế công trình kiến trúc. Theo Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, công trình phải là thiết chế văn hóa, thể thao mang tầm quốc gia, có điểm nhấn về biểu tượng không gian văn hóa Huế, xứng tầm với đô thị di sản. Đặc biệt, các yếu tố kiến trúc văn hóa Huế cần được phát huy và bảo tồn; không gian kết nối với các kiến trúc xung quanh; công năng cho các hoạt động văn hóa, thể thao cộng đồng; điều chỉnh theo hướng khả thi hơn, hợp lý hơn và cân đối nguồn lực cho công trình.
Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện. Đến năm 2030, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc trung ương có đơn vị hành chính gồm 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện.
Thừa Thiên Huế phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các đô thị động lực trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa đô thị - nông thôn - thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng. Đẩy nhanh tốc độ và chất lượng đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, phát triển các đô thị đồng bộ về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.
Chú trọng phát triển các công trình, dự án xây dựng thấp tầng, thiết kế tự nhiên, thân thiện với môi trường.
>> 'Trùm' cảng lớn nhất miền Bắc 'xoá sổ' 29 công viên, vườn hoa lớn khỏi danh mục đầu tư