PVS ‘mắc kẹt’ hơn 320 tỷ đồng tại siêu dự án nhiệt điện 1,5 tỷ USD
PVS mang về hơn 9.200 tỷ đồng doanh thu trong nửa đầu năm 2024, trong đó đóng góp chủ yếu là hoạt động dịch vụ cơ khí và xây lắp.
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS ) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 5.578 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ.
Cùng chiều, giá vốn hàng vốn tăng 820 tỷ đồng tương ứng tăng 18% lên mức 5.347 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 33% lên mức 303 tỷ đồng. Kết quả, PVS mang về 207,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 11% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mang về 9.288 tỷ đồng doanh thu, tăng 10,3% so với cùng kỳ Trong đó, hoạt động dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp mang về doanh thu nhiều nhất với 4.403 tỷ đồng, chiếm 47%. Ngoài ra, doanh thu trong mảng dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí  đạt 1.054 tỷ đồng và dịch vụ cung ứng kho nổi chứa, xử lý và xuất dầu thô đạt 1.111 tỷ đồng.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2024 của PVS đạt 512,7 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm ngày 30/6, quy mô công ty đạt 26.918 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,9% so với đầu năm. Trong đó, PVS  đang nắm giữ 9.939 tỷ đồng tiền gửi và các khoản tương đương. Nợ phải trả ghi nhận ở mức 13.008 tỷ đồng với tổng nợ vay đạt 1.863 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, chi phí xây dựng dở dang dài hạn của PVS đạt 371 tỷ đồng trong đó công ty ‘mắc kẹt’ hơn 301 tỷ đồng vào dự án Long Phú 1  và không có khả năng thu hồi do gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, PVS cũng ghi nhận 19,5 tỷ đồng tại khoản mục chi phí xây dựng dở dang ở hàng tồn kho. Theo đó, doanh nghiệp đã bỏ ra hơn 320 tỷ đồng cho dự án này.
PVS có khả năng không thể thu hồi số tiền bỏ ra tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 |
Được biết, vào cuối tháng 5 vừa qua, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết dự án nhiệt điện Long Phú 1  đang được đàm phán, xử lý vướng mắc để sớm tái khởi động trong thời gian tới.
Dự án này có công suất 1.200MW, tổng vốn đầu tư ban đầu là 1,5 tỷ USD và được khởi công xây dựng vào tháng 9/2015. Tổng thầu là liên danh nhà thầu Power Machines (PM, Nga) - Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS ).
Theo hợp đồng EPC, dự án kết thúc và vận hành vào năm 2019. Tuy nhiên vào năm 2018, nhà thầu chính PM vướng cấm vận của Mỹ và sau đó đã đơn phương tuyên bố dừng thực hiện hợp đồng. Đến nay, dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc dẫn tới việc chậm trễ tiến độ thực hiện.