Thế giới

Quốc gia Đông Nam Á chứng kiến 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối ‘bốc hơi’ chỉ trong 2 tuần

Ngọc Hân 13/01/2025 - 10:14

Trong bối cảnh đồng USD tiếp tục thống trị dự trữ ngoại hối toàn cầu, Malaysia đang phải đối mặt với thách thức trong việc cân bằng dòng vốn và ổn định tài chính.

The Star đưa tin, dự trữ quốc tế của Ngân hàng Quốc gia Malaysia giảm xuống còn 116,2 tỷ USD vào ngày 31/12/2024 - thấp hơn đáng kể so với mức 118,1 tỷ USD được ghi nhận hôm 13/12. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 2 tuần, Malaysia đã mất 2 tỷ USD dự trữ.

Ngân hàng Quốc gia Malaysia khẳng định số dự trữ hiện tại vẫn đủ để tài trợ cho 5 tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, và tương đương với tổng nợ nước ngoài ngắn hạn của quốc gia này.

Báo cáo cũng chỉ rõ các thành phần chính trong quỹ dự trữ bao gồm dự trữ ngoại tệ (103,7 tỷ USD), dự trữ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (1,2 tỷ USD), quyền rút vốn đặc biệt (5,7 tỷ USD), vàng (3,3 tỷ USD) và các tài sản dự trữ khác (2,3 tỷ USD).

Theo hãng tin Bernama, trong 12 tháng tới, quốc gia này sẽ phải chi trả tới 14,03 tỷ USD cho các khoản nợ và thanh toán trái phiếu. Trong khi đó, dòng vốn nước ngoài dự kiến chảy vào chỉ đạt 2,54 tỷ USD, còn nguồn thu ròng ngắn hạn ước tính là 399,8 triệu USD.

Quốc gia Đông Nam Á chứng kiến 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối ‘bốc hơi’ chỉ trong 2 tuần - ảnh 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Xu hướng sụt giảm kéo dài

Không chỉ trong tháng 12, dự trữ ngoại hối của Malaysia đã có dấu hiệu suy giảm từ trước đó. Cuối tháng 10/2024, Ngân hàng Quốc gia Malaysia cũng ghi nhận mức sụt giảm tương tự, khi dự trữ quốc tế giảm từ 119,6 tỷ USD (ngày 15/10) xuống còn 117,6 tỷ USD (ngày 30/10) - tức mất 2 tỷ USD.

Tại thời điểm 30/10/2024, cơ cấu dự trữ cũng cho thấy sự dịch chuyển nhẹ: dự trữ ngoại tệ ở mức 104,6 tỷ USD, dự trữ tại IMF (1,3 tỷ USD), quyền rút vốn đặc biệt (5,9 tỷ USD), vàng (3,3 tỷ USD) và các tài sản dự trữ khác (2,5 tỷ USD).

Trong khoảng 2 tháng từ cuối tháng 10 - 12/2024, tổng mức sụt giảm dự trữ quốc tế của Malaysia đã lên tới 3,4 tỷ USD.

Dù dự trữ ngoại hối sụt giảm, đồng ringgit Malaysia lại có một năm 2024 khá ấn tượng. Đồng tiền này tăng 2,7% so với USD, đánh dấu sự phục hồi sau 3 năm liên tiếp suy yếu và trở thành đồng tiền có hiệu suất tốt nhất trong nhóm thị trường mới nổi.

Đồng USD vẫn thống trị

Dự trữ quốc tế – hay còn gọi là dự trữ ngoại hối – có vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định tài chính và hỗ trợ thanh toán quốc tế của các quốc gia. Đây là lượng tài sản tài chính do Ngân hàng Trung ương nắm giữ để đảm bảo khả năng thanh toán nợ, can thiệp vào thị trường tiền tệ và bảo vệ nền kinh tế khỏi biến động tài chính.

Các quốc gia thường dự trữ ngoại hối dưới dạng những đồng tiền mạnh như USD, euro, yên và bảng Anh, bên cạnh các tài sản khác như trái phiếu Chính phủ và vàng. Trong đó, đồng USD vẫn giữ vị thế thống trị, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu dự trữ ngoại hối toàn cầu.

Theo IMF, tính đến quý III/2024, tổng dự trữ quốc tế toàn cầu đạt 12.730 tỷ USD, trong đó riêng USD chiếm 6.796 tỷ USD. Trung Quốc tiếp tục là quốc gia nắm giữ dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.

Việc quản lý dự trữ ngoại hối hiệu quả đóng vai trò sống còn với các nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính đầy biến động như hiện nay.

Với Malaysia, diễn biến sụt giảm dự trữ ngoại hối thời gian qua đang đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi các chính sách ứng phó linh hoạt để bảo vệ nền kinh tế khỏi những cú sốc bên ngoài.

Tổng hợp

>> Vượt Mỹ và loạt cường quốc, quốc gia Đông Nam Á sở hữu hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2025

Báo Mỹ: Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á 'rắn mặt' với Apple, Việt Nam thành công dù thị trường nhỏ hơn nhiều lần

Hoàn thiện 80% dự án đập thủy điện đá đổ cao nhất Đông Nam Á trải dài qua 2 tỉnh

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-gia-dong-nam-a-chung-kien-2-ty-usd-du-tru-ngoai-hoi-boc-hoi-chi-trong-2-tuan-134605.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Quốc gia Đông Nam Á chứng kiến 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối ‘bốc hơi’ chỉ trong 2 tuần
    POWERED BY ONECMS & INTECH