Thế giới

Quốc gia vào top tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng bị Việt Nam bỏ xa trong 1 lĩnh vực

Thiên Kim 04/09/2024 - 14:40

Thị phần xuất khẩu của Ấn Độ trong các ngành như may mặc, da và giày dép đang suy giảm so với những đối thủ cạnh tranh khác.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, hoạt động thương mại toàn cầu của Ấn Độ vẫn chưa thể theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế. Đáng chú ý, quốc gia này đang thua kém các đối thủ như Bangladesh và Việt Nam trong vai trò là trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu giá rẻ.

Báo cáo ngày 3/9 của WB chỉ ra, thương mại hàng hóa và dịch vụ của Ấn Độ đã giảm dần theo tỷ lệ phần trăm đóng góp vào GDP trong thập kỷ qua bất chấp quy mô ngày càng lớn của nền kinh tế nước này.

Theo WB, thị phần của quốc gia này trong xuất khẩu hàng may mặc, da, dệt may và giày dép toàn cầu đã tăng từ 0,9% vào năm 2002 lên mức đỉnh 4,5% vào năm 2013. Tuy nhiên, thị phần kể từ đó đã giảm xuống còn 3,5% vào năm 2022.

Quốc gia vào top tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng bị Việt Nam bỏ xa trong 1 lĩnh vực - ảnh 1
Nhân viên làm việc trong dây chuyền sản xuất tại một nhà máy ở Ấn Độ. Ảnh: Anindito Mukherjee

Ngược lại, thị phần của Bangladesh trong xuất khẩu toàn cầu của các mặt hàng này đạt 5,1% trong khi của Việt Nam là 5,9% vào năm 2022.

Để thúc đẩy xuất khẩu và hưởng lợi từ việc Trung Quốc chuyển hướng khỏi sản xuất thâm dụng lao động, Ngân hàng Thế giới cho rằng Ấn Độ sẽ cần phải hạ chi phí thương mại, giảm rào cản thuế quan và phi thuế quan cũng như sửa đổi các hiệp định thương mại.

Nhà kinh tế cấp cao Nora Dihel tại Ngân hàng Thế giới bình luận: ""Đây là lĩnh vực mà Ấn Độ có thể tập trung vào. Nó là lời kêu gọi hành động nhanh chóng".

Tham vọng của Thủ tướng Narendra Modi là biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc, theo Times of India.

Chính phủ của ông Modi đã chi hàng tỷ USD trợ cấp nhằm thu hút đầu tư vào những ngành công nghiệp như điện tử và sản xuất chip.

Tuy nhiên ngành xuất khẩu của Ấn Độ ngày càng thâm dụng vốn và không thể tạo đủ việc làm để giải quyết tình trạng thất nghiệp trong nước. Thâm dụng vốn tức là doanh nghiệp sử dụng lượng vốn lớn hơn nguồn nhân lực.

Ngân hàng Thế giới ước tính việc làm trực tiếp liên quan đến xuất khẩu đã giảm từ mức đỉnh 9,5% tổng số việc làm trong nước vào năm 2012 xuống còn 6,5% vào năm 2020.

Họ dự kiến nền kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 7% trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2025, giảm so với mức 8% trong năm qua nhưng vẫn thuộc top cao nhất thế giới. WB dự báo tốc độ tăng trưởng của nước này sẽ đạt trung bình 6,7% trong giai đoạn 2025-26 và 2026-27.

Theo Times of India

>> Quốc gia châu Á bùng nổ, trở thành điểm đến IPO hot nhất thế giới năm 2024

Trường học kỳ lạ ở Ấn Độ: Dạy trẻ 12 tuổi móc túi chuyên nghiệp, đám cưới của giới nhà giàu trở thành mục tiêu chính

‘Cuộc cách mạng’ chuỗi cung ứng: Apple bắt đầu sản xuất iPhone mới nhất tại Ấn Độ thay vì chỉ ở Trung Quốc

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-gia-vao-top-tang-truong-nhanh-nhat-the-gioi-nhung-bi-viet-nam-bo-xa-trong-1-linh-vuc-126336.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Quốc gia vào top tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng bị Việt Nam bỏ xa trong 1 lĩnh vực
    POWERED BY ONECMS & INTECH