Cũng là 'bắt đáy', tuy nhiên, thời điểm hiện tại cổ phiếu SAB của Sabeco có nhiều tín hiệu khác biệt so với thời điểm năm 2016 và 2020.
Phiên giao dịch ngày 6/3, cổ phiếu SAB  của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) bất ngờ tăng 4,07% lên 61.300 đồng/cp, kèm mức thanh khoản 4.279.400 cổ phiếu, tương đương giá trị giao dịch 261,4 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản lớn nhất của cổ phiếu này kể từ thời điểm niêm yết năm 2016.
Đáng chú ý, đà tăng kèm thanh khoản lớn của SAB xảy ra khi cổ phiếu này đang ở vùng đáy lịch sử. Giá này chỉ từng xuất hiện vào các thời điểm cổ phiếu SAB lên sàn tháng 12/2016, đáy Covid-19 tháng 3/2020 và giai đoạn từ tháng 10/2023 - hiện tại.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt là ở vùng đáy số 3 này là cổ phiếu SAB bất ngờ xuất hiện cụm thanh khoản lớn, gấp hàng chục lần thanh khoản trung bình trước đó. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của SAB lúc này đã tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2016 và tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với thời điểm năm 2020 nhờ lợi nhuận tích lũy qua từng năm.
Cụm khối lượng lớn xuất hiện ở vùng giá đáy 8 năm của SAB |
Về Sabeco, ban đầu là một xưởng bia nhỏ được người Pháp thành lập tại Sài Gòn năm 1875. Đến năm 2016, SAB chính thức được niêm yết trên sàn HoSE. Trải qua 145 năm lịch sử, đến nay, Sabeco đã đưa Bia Việt vươn ra 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Năm 2017 đánh dấu một cột mốc lịch sử cho SAB khi ThaiBev thâu tóm thành công SAB với giá trị lên đến 5 tỷ USD thông qua Vietnam Beverage. Đây là thương vụ kỷ lục của ngành bia châu Á được thực hiện tính đến thời điểm đó. Sau thâu tóm, SAB tiếp tục tăng trưởng và đạt doanh thu lên đến 37.999 tỷ đồng vào năm 2019, trước khi chịu tác động của đại dịch Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP phạt vi phạm nồng độ cồn.
Hiện tại vốn hóa của SAB đang là 78.492,8 tỷ đồng (tương đương 3,18 tỷ USD), giảm 36,4% so với mức giá mua của ThaiBev. Nếu loại số cổ tức 9.300 tỷ đồng đã nhận qua các năm, ThaiBev đang tạm lỗ 35.645 tỷ đồng cho khoản đầu tư trên.
Những diễn biến quan trọng của cổ phiếu SAB (Theo: Shinhan Securities Vietnam) |
Hừng đông sau màn đêm
Trong báo cáo phân tích mới đây, Shinhan Securities Vietnam có đưa ra triển vọng sắp tới của SAB với sự chuyển đổi thói quen từ tiêu thụ tại các quán nhậu, nhà hàng, khách sạn (kênh on-trade) sang mua về tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đại lý (kênh off-trade).
Do văn hóa mang tính tập thể, người Việt chuộng tiêu thụ bia tại các quán nhậu nên trước năm 2019, việc tiêu dùng tại chỗ là kênh phân phối bia chính. Tuy vậy, với sự phát triển của thương mại điện tử, sự bùng phát của dịch Covid-19 cùng Nghị định 100 phạt vi phạm nồng độ cồn, SAB đã triển khai bán hàng online từ năm 2021 để bù đắp một phần sự sụt giảm doanh thu tại các quán nhậu, nhà hàng. Cũng từ đó, kênh off-trade vượt qua on-trade trở thành kênh bán hàng chủ yếu.
Shinhan Securities dự phóng doanh thu năm 2024 của SAB là 32.394 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.375 tỷ đồng, lần lượt tăng 6,3% và 2,8% so với năm 2023.
HoSE lên tiếng về sự cố nghẽn lệnh trong giai đoạn chuyển đổi hệ thống KRX 
Sản lượng thép bán ra của Hòa Phát (HPG) sụt giảm trong tháng 2